thần chiến đấu cũng như ý chí bảo vệ non sông còn đang hăng hái, thử hỏi
giặc nào mà không bị đánh bại.
Ngưng lại giây lát, Hưng Đạo lại tiếp:
- Tâu thượng hoàng, tâu quan gia, thần nói: “Kim niên tặc nhàn” là
nói về cái thế của ta nó nhàn nhã bởi ta đã biết mưu giặc, biết sức giặc chứ
không như cuộc kháng giặc năm Ất Dậu, thế của ta là thế ngàn cân treo trên
đầu một sợi tóc nên ta hết sức vất vả, mệnh nước tưởng như khó toàn. Còn
như khi đã lâm trận đánh giặc thì không thể nhàn được, vẫn là cuộc đọ trí,
đọ sức khốc liệt. Vả lại không phải giặc đến đây để chịu thua, mà là giặc có
ý phục thù, rửa hận. Tâu, đó chính là mưu toan của Hốt-tất-liệt, cho nên trận
này là trận quyết đấu sinh tử của y.
Thượng hoàng Trần Thánh tông thấy đã yên lòng liền giục Trần Nhân
tông:
- Vậy thời quan gia cho triệu các bề tôi tâm phúc về bàn kế phá giặc
ngay đi.
- Tâu, con đã cho triệu, có nhẽ phụ hoàng cùng bá phụ vừa dùng trà
vừa bàn chuyện, nán một lát, các quan sẽ tới.
Quả nhiên chỉ chưa đầy một khắc canh giờ thì các quan lục tục vào
chầu. Thoạt tiên là Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, quyền tướng quốc
Tá Thiên vương Trần Đức Việp, phiêu kỵ phó tướng Nhân Huệ vương Trần
Khánh Dư.
Vừa an tọa xong Tá Thiên vương đã vội nói:
- Tâu phụ hoàng, tâu quan gia, năm ngoái ta cử hai chánh phó sứ
Nguyễn Nghĩa Toàn, Nguyễn Đức Vinh sang nhà Nguyên cống phương vật,
giặc giữ sứ ta lại không cho về, thế mà năm nay thúc phụ lại hối thúc con
phải cử sứ bộ sang cống tiếp, trong khi Hốt-tất-liệt sắp đánh ta rồi.
Thượng hoàng Thánh tông nhìn Quang Khải rồi nhìn Đức Việp, ngài
mỉm cười:
- Thúc phụ dạy con như thế rất hợp ý ta. Dù giặc sắp vào cõi như năm
Ất Dậu mà ta vẫn hai ba lần sai sứ sang Kinh Hồ xin hoãn binh, lại khi giặc