Hưng Đạo chống nhau với ta suốt từ giờ tí đến giờ thân rồi trốn thoát. Khi
ta đưa quân vào Vạn Kiếp, Hưng Đạo chống trả quyết liệt, ba ngày sau ta
mới đuổi hết quân Giao Chỉ ra khỏi khu vực này. Tới khi ta đem quân vào
Thăng Long, Hưng Đạo lại luồn về phía sau ta chiếm lại Vạn Kiếp với số
quân đông tới mấy chục vạn, uy hiếp Thăng Long. Cũng may Toa-đô phá
vỡ cửa quan Nghệ An đem quân ra Thanh Hóa đánh vào sau lưng giặc
khiến quân Trần nao núng. Trần Kiện đem hai vạn quân ra hàng, thân
vương Trần Ích Tắc cùng nhiều người trong hoàng tộc đem cả nhà và quân
bản phủ tới cửa ta xin quy thuận thiên triều. Ấy thế mà năm nay Hưng Đạo
lại bỏ ngỏ Nội Bàng, bỏ rơi Vạn Kiếp cho ta lấy, không mất một mũi tên
nào là cớ làm sao. Có phải cuộc chiến năm Ất Dậu ta đã làm cho Giao Chỉ
kiệt quệ, nay nó chưa gượng dậy được và không đủ sức kháng cự lại đại
binh thiên triều. Có đúng là quân Giao Chỉ yếu hay đây lại là kế của Hưng
Đạo, các ông nói thử ta nghe.
Bôn-kha-đa vừa nếm đòn đau đớn trước ải Lãnh Kinh xin nói:
- Bẩm Trấn Nam vương, cánh quân phía tây lũ thần đi qua, giặc
chống trả quyết liệt lắm. Từ đó suy ra đủ biết đây là kế của Hưng Đạo chứ
không phải quân Giao Chỉ kiệt quệ đâu.
Hữu thừa A-ba-tri lên tiếng:
- Đất nước bé bằng cái bàn tay, người thì một dúm, nó gồng sức lên
đỡ trận đòn năm Ất Dậu cũng kiệt sức rồi. Các ông bị quân nó chống trả
quyết liệt nhờ vào mấy cửa quan mà thủ hiểm nhưng rồi cũng phải bỏ chạy
chứ sức đâu kháng cự mãi với thiên binh của thiên triều. A-ba-tri huơ tay
lên chém gió, miệng nói oang oang: - Bẩm Trấn Nam vương, đúng là giặc
cố gắng đến tuyệt vọng để kháng mệnh thiên tử, nhưng quả thực nước nó
kiệt quệ lắm rồi không dám chống lại thiên binh nữa, tướng tài như Hưng
Đạo mà còn chạy không dám ngoảnh đầu lại, chắc chỉ vài trận kịch chiến
nữa là vua tôi nước nó phải ra hàng, xin Trấn Nam vương chớ ngại.
Hữu thừa Trịnh Bằng Phi nói:
- Tâu, các ông tả, hữu thừa nói đều có lý cả, song ta chớ nên coi
thường giặc. Coi thường giặc sẽ dẫn tới đánh giá không đúng về nó và vì