thế đôi khi gây cản trở cho chính ta.
Không khí trở nên yên lặng, mọi người nhìn nhau, dường như họ đều
chờ ý chỉ của Thoát-hoan.
Bỗng Thoát-hoan nghiêng đầu về phía Áo-lỗ-xích nói:
- Ông bình chương, theo ông phán đoán tình thế quân Giao Chỉ hiện
nay thế nào. Và vì sao Hưng Đạo bỏ cả Nội Bàng lẫn Vạn Kiếp một cách dễ
dàng như vậy. Liệu đây có phải là kế của Hưng Đạo không. Nếu là kế thì ta
có nên giữ Vạn Kiếp không?
Áo-lỗ-xích với vẻ suy tư cân nhắc rồi nói:
- Chắc chủ tướng còn phân vân. Bản thân tôi cũng rất phân vân.
Chúng ta đều biết An Nam là một nước nhỏ không thể so được với những
nước mà các đại Hãn đã chinh phục. Nhưng ta không thể không thừa nhận
họ có nhiều tướng giỏi mà Hưng Đạo là một tướng mưu trí, ngoan cường
thắng không kiêu, bại không nản. Còn như về phần nội lực của nước họ khó
có thể nói họ đủ sức chịu đựng trong cuộc chiến tranh này. Cứ suy như nhà
đại Nguyên ta, đất đai trải rộng mênh mông, nhiều người nhiều của, thế mà
đầu năm Bính Tuất (1286) thiên tử hạ chiếu “Chinh Giao Chỉ”, các đại thần
đã xúm vào can như Sen-ghê ở hành tỉnh Hồ Quảng đã tâu về triều: “Tỉnh
tôi trấn giữ hơn bảy mươi sở, luôn năm chinh chiến, quân sĩ tinh nhuệ đều
mệt nhọc ở ngoài, kẻ còn ở lại đều già yếu, mỗi thành ấp nhiều không quá
hai trăm quân… Năm ngoái bình chương A-lí Hải-nha xuất chinh, thu ba
vạn thạch lương dân còn kêu khổ, nay lại thu gấp bội số đó, quan không có
tích trữ, còn mua ở trong dân, trăm họ sẽ khốn khổ khôn xiết”. Còn như
tuyên úy ty Hồ Nam thì can: “Luôn năm đánh Nhật Bản và dùng binh ở
Chiêm Thành, trăm họ mỏi mệt vì vận chuyển phú dịch nặng nề, quân sĩ
mắc phải chướng lệ chết rất nhiều. Dân chúng kêu than, tứ dân bỏ nghiệp.
Người nghèo phải bỏ con để cầu sống, kẻ giàu phải bán sản nghiệp để ứng
dịch. Nỗi khổ như bị treo ngược, mỗi ngày một tăng… Nay lại có việc đánh
Giao Chỉ, điều động đến trăm vạn người, tiêu phí đến nghìn vàng, đó chẳng
phải là việc để thương quân dân…”. Còn rất nhiều lời can với tình cảnh bi
đát hơn nhiều. Vì thế, thiên tử mới hoãn việc nam chinh tới nay.