Trời vừa nhá nhem, Lê Tắc lấy la bàn ra định phương hướng chờ đêm
xuống. Lúc này quân Đại Việt lại im ắng, không nổi kèn trống, không đốt
đuốc truy đuổi, chắc họ phục tại những nơi quân Nguyên có thể mở đường
máu thoát ra.
Quân Nguyên phải kháng cự suốt một ngày vừa mệt mỏi, đói khát, tới
lúc này đã chết tới quá nửa, tinh thần binh lính rệu rã. Trong khi đó các
tướng đã chọn ra khoảng gần một trăm quân kỵ khỏe mạnh, cung tên, đao,
kiếm sẵn sàng, nói là để mở đường máu gọi viện binh đến cứu.
Khi đã lừa được hàng ngàn quân ở lại, Lê Tắc dẫn các tướng cùng
đoàn quân chạy trốn luồn rừng đi về hướng đông bắc.
Cắt ngang cánh rừng để tìm đường sống tức là phải len lách giữa
những cây đại thụ chen chúc với cây gai, dây cuốn chằng chịt, người, ngựa
xiết bao cực nhọc. Nhiều chỗ phải dắt ngựa lấy sức nó mà mở đường cho
người luồn chui theo sau. Gần nửa đêm ra khỏi rừng được vài chục dặm đã
có quân đuổi theo, tiếng hô “Sát Thát!” vang khắp núi rừng cứ vọng mãi
vào vách núi, thành hang rồi dội lại, cái âm thanh ấy cũng như góp phần
vào sự truy đuổi, khiến kẻ chạy trốn thêm bàng hoàng, khiếp nhược.
Lê Tắc dẫn lũ giặc trốn chạy không dám ngoái đầu lại, khi hoàn hồn
không thấy đồng bọn. Tắc hốt hoảng quay lại tìm thì thấy một đám người,
ngựa xơ xác quần áo rách bươm, không một đứa nào trên đầu còn mũ và
mặt thì gai cào xây xước vết máu còn tụ bầm tím dọc ngang như lũ tội đồ bị
rạch mặt.
Thiêm sự phán phủ Lê Yến lê lết trên con ngựa gầy lại kèm thêm cậu
bé chín tuổi tước Đại Thúc hầu, con của Trần Ích Tắc ký thác cho Yến đem
về nước. Thằng bé sợ hãi bạc cả mặt. Kiểm lại, đoàn người chạy trốn đã bị
quân Đại Việt cắt đuôi tiêu diệt mất quá một phần ba, số còn lại chưa quá
sáu chục tên.
Nhìn Lê Yến cưỡi con ngựa gầy cứ tụt lại phía sau, Tắc động lòng
trắc ẩn nói với giọng xúc động:
- Thiêm sự để tôi chở giùm Đại Thúc hầu kẻo ngựa của ngài yếu quá,
sợ lại gặp giặc đón đường nữa thì khó cho ngài.