Lê Yến vái Lê Tắc một vái rồi nói với giọng xúc động:
- Đa tạ hảo ý của tiên sinh, nhưng tôi không thể rời công tử được, bởi
đức ông Chiêu Quốc vương đã có nhời ủy thác.
Lê Tắc tự nghĩ: Con người này quả là nghĩa hiệp, trọng tín, gian nguy
cũng không đổi dạ, thật đáng trọng.
Nghĩ vậy Lê Tắc bèn xuống ngựa vái Thiêm sự Lê Yến một vái và
nói:
- Nếu ngài muốn thật lòng bảo vệ công tử xin ngài vui lòng đổi ngựa
cho tôi. Nói xong Lê Tắc trao dây cương con ngựa khỏe mình đang cưỡi đặt
vào tay Lê Yến.
Lê Yến vội xuống ngựa sụp lạy hai lạy rồi ẵm cậu bé sang yên cương
con ngựa mà Lê Tắc vừa trao.
Mọi việc diễn ra trong chớp mắt. Vừa lên ngựa ra roi xông lên trước
hàng quân, Lê Tắc giục:
- Các vị mau theo tôi. Tình thế chưa an đâu, phải qua biên ải mới coi
là thoát nạn. Rồi Tắc quất roi vào vai con ngựa gầy vút đi.
Đoàn quân thất trận nối đuôi nhau chạy trốn nom tiều tụy như một lũ
ăn mày, lê những bước chân mỏi mệt đến gần biên thùy, gặp ngay quân
phục của Đại Việt đã chờ sẵn. Đâu đó vang lên tiếng quát:
- Quân giặc muốn sống xuống ngựa nộp khí giới đầu hàng!
Lê Tắc vội ngoắt ngựa chạy qua nẻo đường tắt luồn rừng về được bên
kia biên ải, nhưng những kẻ ở cuối đoàn quân đều phải nộp mạng.
Tính ra bọn Lê Tắc đến ải Nội Bàng vào ngày hai mươi tám tháng
chạp, chúng bị quân Đại Việt đánh cho tơi tả, hơn năm ngàn quân khi về tới
Tư Minh là chiều tối mùng hai tết còn được hơn năm chục đứa. Chúng nhìn
nhau ngơ ngác như mới từ cõi chết trở về, tất cả lũ chúng đều sụp lạy Lê
Tắc và nói:
- Ơn cứu tử không biết lấy chi đền đáp, xin ông nhận ở chúng tôi mỗi
người ba lạy.