tấm thân phì nộn và cái mặt béo tròn da bóng nhẫy, chỉ cần châm nhẹ cái
đầu gai bưởi vào, mỡ sẽ chảy ra ròng ròng. Cứ nghĩ đến cái cảnh người,
ngựa ngoi ngóp trong nước lũ, dạt vào mấy mô đất cao tranh chỗ trú chân
với đám chuột đồng thì Lưu Thế Anh không còn bụng dạ nào mà bàn bạc
nữa. Và cũng chẳng còn tư cách gì mà bàn bạc. Vì thế y cứ cúi gằm mặt
xuống, nhưng tai thì dỏng lên nghe không bỏ sót một từ nào.
Nhân đó Trương Ngọc cũng bàn thêm:
- Đọc Tống sử tôi thấy năm Hy Ninh thứ 10 (1077) Giám sát ngự sử
là Thái Phụng Hỷ dâng biểu lên vua Tống Thần tông về việc đánh Giao Chỉ
trong đó có đoạn viết: “Phù chướng hải cùng sơn, độc vụ chi uyên tẩu, phi
diên trụy, độc khí thượng, ôn phong tác lệ; kỳ gian đãi chi nhân cảnh, tuy
tận đắc chi, cố hà ích ư thiên hạ?”
[80]
Xem thế đủ biết hơn hai trăm năm trước, khi đánh Giao Chỉ người
Tống cũng đã cân nhắc và bàn bạc tới cạn nhẽ. Lại xem đất đai, khí hậu
Giao Chỉ hiện nay với hơn hai trăm năm trước cũng không có gì khác biệt.
Suy cho cùng nếu Trấn Nam vương đã có bụng không muốn ở thì cũng nên
về sớm, tránh được lúc thời khắc xuân hạ giao mùa thường nảy sinh dịch
bệnh.
Các tướng đều lần lượt nói theo cái bụng không muốn ở lại An Nam
của Thoát-hoan. Tất cả đều nói tránh đi cái tình thế sắp thua, nếu ở lại sẽ bị
chết đói, bị tiêu diệt hoàn toàn, và họ đều vin vào cái cớ thời tiết, khí hậu
không hợp để bàn việc lui quân cho đỡ sái, đỡ nhục. Ai cũng biết cái lý nó
nằm ở chỗ khác chứ không phải thời tiết khí hậu. Ấy thế mà họ vẫn cứ phải
bấu víu kể cả bấu víu vào lịch sử và cố tình lẩn tránh một sự thật hiển nhiên.
Cái triều đình bù nhìn do Hốt-tất-liệt sai lập và tấn phong từ vua chúa
tới một lũ bầy tôi theo chân Thoát-hoan về nước, nay đều thất vọng, đều
quần tam tụ ngũ cao đàm khoát luận về những chuyện vu vơ, vờ quên thân
phận của một bầy chim mồi, chó săn. Và trong các cuộc bàn bạc nơi màn
trướng, họa hoằn lắm Thoát-hoan mới cho Trần Ích Tắc, cái người mà
chúng hy vọng đặt lên ngôi quốc vương, nếu chúng chinh phục được nước
Nam, ngồi dự nghe chứ không được dự bàn.