Quốc công đã xem xét kỹ càng các nơi sẽ đóng cọc bẫy thuyền giặc,
việc còn lại là xem con nước triều lên xuống rồi mới tính được dộ dài cần
thiết của cọc. Tính con nước thì không khó. Cái khó là phải biết rõ tại nơi
này khi nước lên tức lúc triều cường đỉnh cao nhất của nó đạt bao nhiêu sải
và khi nước rặc, mức thấp nhất của nó còn mấy sải. Biết rõ việc này không
ai rành hơn những người dân chài sinh sống trong vùng. Và cả những người
dân sinh sống quanh mép nước cũng đều rõ cả. Thuở ấy dân ta sống chủ
yếu dựa vào nghề nông, dân ven sông biển, dân vùng trũng ngay cả đứa bé
bảy tám tuổi đều biết tính ngày con nước.
Hưng Đạo đã cho mời những người sống ven hai bờ sông như sông
Chanh, sông Giá, sông Đá Bạc, sông Bạch Đằng và dân các làng xã như
Trúc Động, Lưu Kiếm, Trung Bản, Yên Giang, Tràng Kênh… để hỏi han về
con nước triều trong các tháng mùa xuân như giêng, hai, ba trong các năm
về trước. Nhân tiện Quốc công cũng hỏi han đến các đội hương binh.
Thân vương Trần Quốc Bảo là người được triều đình sai coi sóc và tổ
chức các đội dân binh trong các trang ấp xung quanh vùng Bạch Đằng
giang thuộc lộ An Bang, phải liên thủ lại với nhau và cứ gom mười đội lại
thành một đô.
Đô tướng của các đô quân này do thân vương Trần Quốc Bảo xin trên
cử người về. Hoặc tìm trong địa phương nếu có người am hiểu việc quân và
đã từng ở trong quân, đã kinh qua chiến đấu chống quân xâm lược phương
Bắc năm Ất Dậu vừa qua thì mời giữ chức này.
Tuy đã giao việc cho Trần Quốc Bảo và căn dặn kỹ lưỡng, nhưng
trước khi lâm trận, Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương lại cho triệu Trần
Quốc Bảo đến để ngài kiểm xét lại một lần nữa.
Quốc Bảo vừa tới, Hưng Đạo đã hỏi:
- Tình thế gấp lắm rồi, tướng quân nói chính xác cho ta nghe, hiện
trong tay tướng quân có bao nhiêu đô dân binh, thực chất có thể phối hợp
với quân triều đình được là bao nhiêu.
Cũng không cần mở sổ, Trần Quốc Bảo liền nói: