- Bẩm Quốc công, quanh vùng Bạch Đằng về hai phía tả hữu ngạn có
các trang ấp và các hương cả thảy có tám đô dân binh, cộng hơn một vạn
tráng đinh. Ngoài ra còn các đội Bạch đầu ông, Sơn đồng đô, Đoàn đội trạo
nhi là các lực lượng gồm các tuổi từ thiếu lão đến trung lão và các thiếu
niên trong độ tuổi từ mười bốn đến mười sáu dùng vào các việc tiếp tế, hậu
cần.
Tám đô dân binh có thể phối hợp chiến đấu với quân triều đình là:
Yên Giang, Trung Bản, Phong Cốc, Trúc Động, Phục Lễ, Phả Lễ, Đoan Lễ,
Do Lễ. Trúc Động nằm ở ngã ba sông Giá và sông Đá Bạc nơi mà năm Ất
Dậu Quốc công đã qua đây và có ban cho dân xã một thanh kiếm, chắc
Quốc công còn nhớ. Bẩm, tinh thần đánh giặc của dân chúng trong vùng lên
cao chưa từng thấy. Nhất là mấy trận gần đây thủy binh ta đốt thuyền giặc ở
vùng giữa Tháp Sơn - Đại Bàng và vùng cửa An Bang thì tinh thần nô nức
đánh giặc từ nam phụ lão ấu cứ sôi lên sùng sục đòi phải được góp sức với
quân triều đình đuổi giặc.
Nghe Trần Quốc Bảo tâu báo về lực lượng dân binh và tinh thần nao
nức đánh giặc của dân chúng trong vùng lên cao, Hưng Đạo tỏ vẻ hài lòng,
yên ủi vỗ về tướng quân rồi Quốc công dặn:
- Từ nay cho tới khi đuổi xong giặc, tám đô quân này phải tập trung
tuần tra, canh gác đề phòng giặc đổ quân lên bộ cướp lương thực, tàn sát
dân chúng. Nếu giặc chưa tới càng phải đề phòng, không được lơ là coi
thường giặc. Tướng quân nên nhắc nhở các đô tướng và các dân binh phải
sẵn sàng chờ được sai khiến, ngày đuổi giặc ra khỏi bờ cõi sắp đến rồi.
Trần Quốc Bảo cúi đầu nhận mệnh, ông vừa bước ra khỏi quân doanh
thì gặp Phạm Ngũ Lão đi vào. Hai người chào hỏi nhau rất thân tình rồi vội
vã chia tay.
Thấy Phạm Ngũ Lão trở về, Quốc công vui hẳn lên, nhưng ông chợt
nhớ Ngũ Lão đã xin đi trấn ải Chi Lăng, chặn đường về của giặc, nên hỏi:
- Con về có việc gì vậy?
Phạm Ngũ Lão bèn dâng lên một phong thư. Nhận ra nét chữ của
Chiêu Minh vương Quang Khải, Hưng Đạo vội mở đọc: