Trái lại đánh thủy thì việc diệt hoặc bắt các tướng giặc lại đơn giản hơn
nhiều. Và toàn bộ các phương tiện chiến tranh của nó từ thuyền bè, khí giới
cùng quân tướng nó cùng một lúc bị tiêu diệt sạch sành sanh. Cơ hội này
mà bỏ lỡ để cho giặc chạy thoát cũng tựa như một sự tiếp tay cho giặc để nó
sớm trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, khiến giặc cứ cột dân ta vào cái
vòng luẩn quẩn của chiến tranh. Và như thế là có tội với dân, với nước - đó
là cái tội ngu dốt làm cho dân bại nước suy.
Quốc công ngừng lời giây lâu rồi khuyên Phạm Ngũ Lão:
- Con xuống trại nghỉ để sớm mai cùng ta đi khảo sát nơi bày trận.
Đêm khuya tịch mịch chỉ nghe tiếng sóng biển xa xa vẳng lại như
người nói chuyện thầm thì, và từ đâu đó nơi những lùm cây rậm rạp trong
rừng già phía sau lán trại, thỉnh thoảng lại có tiếng cú rúc nghe rờn rợn
khiến mấy người lính canh phải căng tai, căng mắt soi tìm vào bóng tối
nhằm đem lại sự an toàn cho chủ tướng.
Vào ngả lưng được một lát, dường như chưa kịp ấm chỗ, Hưng Đạo
vương lại bật dậy, sai thư nhi thắp đèn và bê cho ông chiếc tráp nhỏ ra nơi
làm việc.
Quốc công lấy từ trong tráp ra tấm bản đồ vẽ trên nền vải gấp gọn lại
chỉ to bằng cuốn sách, ngài trải rộng ra rồi ngồi ngắm. Ngón tay chỉ vào
dòng sông Bình Than khởi từ Vạn Kiếp. Ngài nói thầm: - Ô-mã-nhi sẽ dẫn
đoàn hải binh xuôi từ đây qua sông Kinh Thầy về tới Trúc Động nơi ngã ba
giữa sông Kinh Thầy, sông Giá và sông Đá Bạc. Ngón tay trỏ của Quốc
công lần theo nẻo sông Giá đổ vào sông Bạch Đằng và từ đây đổ thẳng ra
cửa biển Đại Bàng. Ngắm nhìn dòng sông nhỏ đổ vào sông lớn rồi ra biển,
một lúc lâu sau vương lại đưa ngón tay trỏ lần theo dòng sông Đá Bạc chảy
sướt qua dãy núi Tràng Kênh đổ vào sông Chanh, sông Kênh, sông Rút rồi
đổ thẳng ra biển, đó là các chi lưu của sông Bạch Đằng.
Vương di ngón tay qua dòng sông Bạch Đằng rồi dừng lại nơi có mấy
chấm khuyên đỏ. - Đây là Ghềnh Cốc - dãy đá ngầm giăng ngang sông, khi
nước rặc thuyền không qua lại được, nếu thuộc luồng lạch lách vào khe này