thuyền có thể qua từng chiếc, nhưng nếu có một chiếc bị đắm ở lạch này thì
coi như tắc nghẽn.
Vương đưa mắt nhìn bao quát cả mấy con sông và tự hỏi: - Vậy chớ
năm Mậu Tuất (938) Ngô tiên chúa (Ngô Quyền) đóng cọc vạc nhọn, đầu
bịt sắt ở chỗ nào để phá quân Nam Hán, bắt giết tên thái tử Lưu Hoằng
Tháo.
Lưu truyền Ngô tiên chúa đóng cọc ở sông Bạch Đằng, nhưng sông
rộng hút tầm mắt mà nước thì sâu thăm thẳm. Khi nước cường chỗ sâu nhất
tới hơn ba mươi sải nước, khi nước rặc chỗ nông nhất cũng tới hơn một
chục sải. Vậy đóng cọc giăng ngang sông Bạch Đằng để chặn thuyền giặc là
điều không thể. Nếu như ngài đóng cọc ở chỗ khác, đó là những chỗ nào mà
tịnh không còn dấu tích. Ngẫm nghĩ một lúc Vương lại tự trả lời. - Đúng
thôi, tới nay đã ba trăm năm chục năm, mọi sự đã đổi thay biến cải. Vả lại
nếu có tìm thấy dấu tích thì có thể chỗ đó xưa kia đắc dụng chứ nay không
còn đắc dụng nữa thì sao. Và nếu không suy xét thời có khác chi kẻ khắc
dấu vào mạn thuyền để tìm thanh kiếm quý
[82]
Đầu óc ngổn ngang, vương tắt đèn ngồi tĩnh tọa trong đêm và suy
nghĩ.
Chừng hơn một canh giờ sau, hốt nhiên đầu óc của vương trở nên
sáng láng, và vương quyết: Giặc phải đánh theo cách ta lựa chọn. Giặc
phải đi vào con đường ta bắt chúng phải đi. Và vương thắp đèn lấy bút
khuyên son vào những chỗ vương sẽ bày thế trận cọc để lùa giặc vào đó mà
tận diệt chúng. Việc cấp kỳ từ ngày mai là phải cho quân đi đo lường độ sâu
nông của từng khu vực, tính con nước triều và phải biết chính xác đỉnh
nước khi cường và mức tụt thấp nhất khi nước rặc.
Sớm hôm sau Trần Quốc Bảo đã dẫn tới trại của Quốc công một số
người dân địa phương thông thạo về mọi mặt như đường sá, sông nước như
anh em nhà Trần Hộ, Trần Độ ở Phả Lễ, Phục Lễ, Lý Hùng ở Đoan Lễ, Vũ
Chí Thắng, Hoàng Thảo cùng một số người dân ở Yên Giang, Điền Công,
Trung Bản, Phong Cốc… Cùng đi theo Quốc công còn có các tướng Phạm
Ngũ Lão, Nguyễn Khoái, Trương Hán Siêu… Tất cả đều đi ngựa, đường đi