- Ông cụ ơi, tôi bằng này tuổi rồi không ham sống đâu. Vì rằng tôi lo
là lo cho mọi người thôi, bởi tôi thấy thuyền quân nó qua đây đông như lá
tre, tôi ngồi đếm từ nửa chiều đến tối mịt mà vẫn cứ thấy nó ùn ùn lao đi
như gió lốc. “Đông như quân Nguyên”, đúng như mọi người nói. Đấy, tôi
chỉ muốn hỏi ông cụ: - Liệu mình có đánh được nó không?
Nguyễn Khoái nhìn bà cụ vừa có vẻ kính trọng vừa có vẻ thương hại,
viên tướng trẻ dẫn giải:
- Cụ chẳng thấy mấy năm trước giặc vào nước ta có kém gì năm nay
đâu, thế mà mới từ tháng chạp năm trước, tháng sáu năm sau ta đã quét sạch
không còn một mống nào trên đất ta nữa. Chắc cụ nhớ cuộc chiến năm Ất
Dậu chứ.
- Nhớ! Tôi nhớ cậu ạ. Nhưng năm ấy nghe đâu có đức ông Trần Hưng
Đạo mưu lược lắm, rắn tay lắm mới đuổi được giặc chứ. Sao tôi không biết,
nhà vua với đức ông Hưng Đạo qua vùng Trúc Động ở bên kia sông, lúc đi
còn ban cho hương ấp thanh kiếm để đánh giặc. Không biết năm nay đức
ông có còn đủ sức hay người đã già rồi mà tới nay vẫn chưa đuổi được giặc
ra khỏi nước.
Nghe lão bà nói, mọi người có vẻ sửng sốt. Hưng Đạo nhẹ nhàng nói:
- Lão bà ơi, đánh giặc là công sức của cả nước chứ, sao lão bà lại quy
cho một người?
- Ông cụ ơi, ông cụ nói không sai, nhưng nhà cháu cứ nghĩ đức ông
Hưng Đạo là tướng của nhà giời phái xuống giúp nước mình mới đuổi được
loài quỷ dữ ấy, chứ nhà cháu thấy nó hung hăng ác độc hơn cả loài hổ đói,
mà quân nó đông lúc nhúc như lũ dòi bọ kia, người thường sao thắng được
nó.
Mải nói chuyện, nước đã lên ngập con lạch. Xem sức nước lên nhanh
đến bất ngờ, Hưng Đạo liền hỏi:
- Lão bà có biết vào tháng hai tháng ba này ngày nào triều cường cao
nhất không.