sáng, một lát y thả chân kia xuống, mái tóc lập tức buông sõng về phía sau
lưng, chiếc vòng cũng đứng im trước ngực và hai luồng khí trắng từ hai lỗ
mũi phun ra thẳng tắp như một cặp kiếm quang.
Trước sự thán phục của các tướng, viên phù thủy liền phán:
- Nguyên soái mời ta sang Giao Chỉ để bắt Hưng Đạo về cho thiên tử
xem gan nó, chớ có phải ta sang đây để bắt mấy thằng lính nhãi ranh đâu
mà các ông đòi hỏi.
Các tướng đều cảm thấy người này hợm hĩnh, nhưng nể mặt Ô-mã-
nhi, họ không thèm nối lời với tên phù thủy nữa.
Thân vương Tích-lệ-cơ nói:
- Không thể coi thường người Giao Chỉ, họ thu mình giả rằng yếu
kém không đủ sức kháng cự, nhường thế thượng phong cho binh uy thiên
triều, để rồi mấy chục vạn thạch lương không đến tay quân ta một hạt, hãm
quân ta vào thế đại bất lợi buộc phải lui quân. Như thế họ không chiến mà
thắng. Tới lúc này họ lại truy đánh quân ta thường ngày, vì lợi thế đang
thuộc về họ. Vậy ý các tướng đã bàn, ta thấy nên theo. Tức là phải thoát ra
khỏi đất họ càng nhanh càng tốt, và nếu phải đối đầu thì đối đầu quyết liệt
buộc họ phải tránh cho ta đi.
Cuộc hội bàn thật là nhạt nhẽo, chẳng ai hiến được kế gì hay ho, Ô-
mã-nhi vớt vát vài lời tỏ ra cứng cỏi:
- Các tướng về lo chỉnh bị quân ngũ, từ ngày mai ta phải lui binh thần
tốc, nếu giặc cản trở phải đánh cho chúng những đòn khốc liệt.
Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương đang dụ giặc vào kế do ông sắp
đặt. Ông hãm không cho giặc rút quân nhanh, vì nếu để cho chúng vào
trước ngày tám tháng ba, con nước chưa lên tới đỉnh cao nhất, các bãi cọc
nhô lên để giặc trông thấy từ xa sao còn lừa được chúng nữa. Có nhẽ ngày
mai mồng bảy sẽ cho giặc vào trú ở đoạn đầu sông Đá Bạc, để sớm mồng
tám sẽ dụ cho chúng vào sâu.
Quốc công đang xem xét lại các nơi đã bài bố binh lực, xem có còn gì
phải bổ cứu trước khi cho giặc vào bẫy thì nhận được tin từ biên ải báo về.