HUYẾT CHIẾN BẠCH ĐẰNG - Trang 350

Giặc bị chặn trước ải Hãm Sa nên bỏ con đường Khâu Ôn - Vĩnh Bình, tất
cả dồn về nẻo Nội Bàng - Động Bàn - Đôn Kỷ - Lộc Châu rồi về Tư Minh.
Hưng Đạo mừng lắm, mắt ông sáng bừng lên. Ông thầm khen “Chiêu Văn
vương quả là một tướng tài kiệt xuất”. Hưng Đạo bèn sai thư nhi đem giấy
bút cho ông viết lệnh. “Ta có nhời khen thượng tướng. Giặc đang lâm vào
tử địa. Tất cả đều kéo về lối Lộc Châu. Hưng Vũ Vương đã chặn biên thùy.
Tướng quân kíp đem quân đánh tập hậu. Gắng bắt lấy Thoát-hoan. Nên
cảnh giới tên thần nỗ Giả Nhược Ngu luôn đi cặp kè bên chủ. Thư nói
chẳng hết nhời. Chờ ngày toàn thắng”
.

Viết xong ông gọi Yết Kiêu vào và dặn:

- Con sai đám chim câu đưa thư này cho Chiêu Văn vương. Hiện nay

vương đang ở vùng Khâu Ôn quanh mấy ải Hãm Sa, Chi Lăng.

Yết Kiêu lĩnh thư rồi lui ra cuộn gói gọn ghẽ, ngoài bọc sáp. Sau đó

tướng quân chọn ra năm con chim bồ câu, buộc thư vào âu cánh con đầu
đàn, làm các ám hiệu căn dặn rồi thả cho chúng bay đi.

Theo tính toán thì ngày mai giặc tất sẽ tới Trúc Động. Đầu xã Trúc

Động là nơi gặp gỡ giữa hai dòng sông Giá và sông Đá Bạc. Đương nhiên
binh thuyền giặc sẽ đi vào sông Giá. Vì từ sông Giá ra sông Bạch Đằng gần
hơn sông Đá Bạc. Và sông Bạch Đằng ở quãng này cũng gần cửa biển hơn.
Cho nên sống chết giặc cũng chọn sông Giá làm đường lui binh. Vì vậy
quốc công đã ém một lực lượng khá lớn để ngăn không cho binh thuyền của
giặc vào. Cách ngã ba sông Giá và sông Đá Bạc độ non chục dặm lại có một
nhánh ăn thông với nhau giữa hai dòng sông này, quốc công đặt ở đây một
lực lượng lớn đề phòng giặc cố tình vượt sang sông Giá. Thêm vào đó còn
có cả vạn dân binh trong vùng kéo đến xin được quốc công sai khiến. Ngay
cả các đội bạch đầu ông, các đoàn đội trạo nhi cũng xin được ở vùng ngoài
thanh viện như đánh trống, đánh chiêng, reo hò, hoặc tiếp tế cơm nước,
hoặc khiêng thương binh, tử sĩ lui về phía sau. Cuộc chuẩn bị cho trận đánh
tuy âm thầm nhưng sôi động và có một điều kỳ lạ là từ các vị tướng đến
người bình thường, từ quan đến dân, từ người già đến trẻ nhỏ cứ được tham
gia đánh giặc là nức lòng. Ai ai cũng coi việc đánh giặc là việc của mình,
của nhà mình, của hương ấp mình nên chẳng có một người nào thoái thác.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.