Thời hậu chiến, biết bao việc phải làm. Nhà vua trước hết tha tô thuế
nhiều ít do sự thiệt hại của từng vùng, lo cứu đói, lo làm tiếp các mùa vụ để
ổn định đời sống và cũng là ổn định nhân tâm. Tiếp đó, vua ban chiếu khen
thưởng công trạng cho các công thần trong cả hai lần kháng giặc. Ai lập
được công lao xuất sắc thì cho chép vào sách Trung hưng thực lục và sai vẽ
tượng để lưu lại cho đời sau.
Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương dâng biểu xin giảm bớt số quân
của triều đình và quân của các vương hầu, nhưng phải tinh luyện số quân
còn lại cho thật thiện xảo. Số điền binh đã tập trung cho hết về quê quán
làm ruộng, nhưng phải giữ nghiêm chế độ luyện tập của các nông phu theo
chính sách ngụ binh ư nông như từ trước đã làm. Vua y cho.
Hốt-tất-liệt vẫn giương đông kích tây làm ra vẻ động binh đánh Đại
Việt cốt gây sức ép đối với ta, chứ thực ra y không có khả năng làm tiếp
một cuộc chiến tranh như thế nữa.
Vài năm sau Hốt-tất-liệt (Nguyên Thế tổ) chết, con Hốt-tất-liệt lên
ngôi tức Nguyên Thánh tông xuống chiếu bãi bỏ việc Nam chinh.
Từ đấy nước ta vừa ổn định để xây dựng lại đất nước, vừa củng cố
binh bị, nhưng nhà Nguyên thì ngày càng khốn đốn đối phó với các cuộc
nổi dậy của dân chúng Trung Hoa.
Hưng Đạo vương tiến cử Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu về triều,
cũng như trước đây ông đã tiến cử Trần Thì Kiến, Phạm Lãm, Ngô Sĩ
Thường… là các gia tướng, gia thần của phủ Hưng Đạo cho triều đình, và
họ đều trở thành những người hữu dụng cho nước. Trước khi về kinh sư,
Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu xin với Hưng Đạo cho đi một vòng từ
Bình Than xuôi Bạch Đằng ra tới Vân Đồn. Hưng Đạo dặn khi qua bến
Rừng, nhớ tìm lại một lần nữa bà lão hàng nước để tạ ơn. Khi thuyền vừa
tới khu vực sông Bạch Đằng, Trương Hán Siêu bỗng thấy lòng rung động,
ông nói với Phạm Ngũ Lão dừng lại đi khắp các địa điểm diễn ra trận đánh
đẫm máu, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ đạo quân thủy lớn nhất của giặc.
Nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy quán nước và bà lão hàng nước. Đêm về