Trần Hưng Đạo bật ra tiếng cười thật là sảng khoái, đoạn nhìn thẳng
vào Trần Khánh Dư, ông nói:
- Với cái giọng vừa khôi hài vừa hóm hỉnh, ta chắc ông có thơ hay.
Nào ông cho khai vị vài bài cùng với cuộc thưởng trà sớm nay chứ?
Vừa lúc đó quân hầu đã khép nép mời các đại nhân vào nhà tân khách
dùng trà.
Chưa xong tuần trà, Nhân Huệ vương đã nói:
- Bẩm Quốc công, hạ cấp cho quân thám trà trộn vào đất Nguyên…
đang định nói tiếp thì Khánh Dư chợt dừng lại. Dường như ông cảm thấy
tâu báo việc cơ mật mà ở chỗ đông người thế này e không tiện.
Biết ý, Hưng Đạo liền nói:
- Thượng tướng cứ cho nghe, đây thuần tướng lĩnh và mưu sĩ tâm
phúc của ta cả, họ cần được biết những gì thâu thập được từ phía giặc thì
mới bày cho ta mưu chước phá giặc được.
Cảnh thần tiên gợi nguồn thi hứng, tưởng như chủ khách sẽ có cuộc
xướng họa. Vậy mà nàng thơ không có chỗ chen chân trước cảnh giặc ngoài
đang hung hăng đe dọa.
Được nhời, Trần Khánh Dư liền nói:
- Bẩm, “quân đánh cá” của ta được những người bạn chài bên kia cho
biết, Hồ Quảng
[18]
được lệnh đóng ba trăm chiến thuyền, công trường đang
làm việc thâu ngày đêm. Dạ bẩm quân mới đưa tin về hôm qua, hạ cấp định
ngày mai sẽ về Vạn Kiếp tâu báo để quốc công biết giặc đang trù liệu đánh
ta. Vậy là không nằm ngoài dự liệu của quốc công rằng: “Lần này đánh ta ắt
giặc sẽ dùng quân thủy phối cùng quân bộ, quân kỵ…”.
Trần Hưng Đạo trầm ngâm một lát, lại hỏi:
- Vậy chớ còn nguồn tin nào khả dĩ nữa tướng quân cho nghe. Sự thực
từ đầu năm, ông đã được tin Hốt-tất-liệt dụ cho hành tỉnh “Hồ Quảng phải
gấp rút đóng ba trăm chiến thuyền đi biển để sắp tới đánh Giao Chỉ”.