- Muôn tâu thiên tử, quan hữu thừa (Lý Hằng) thất lộc khiến bệ hạ
đau lòng là bởi quan có nhiều công lao diệt Tống, và vừa rồi trên đường về
nước bị giặc truy đuổi, ngài phải đi sát hộ vệ Trấn Nam vương, vì thế ngài
bị trúng tên độc của giặc nên thọ tử khiến thiên tử phải đau lòng.
Hốt-tất-liệt khẽ gật đầu:
- Phải! Khanh nói đúng, nhưng công tích của Lý Hằng đâu chỉ có thế.
Ví như khi ta bình Tây Hạ, nếu không có khanh là người bản xứ vừa có tài
cầm quân trăm vạn vừa có tầm nhìn xa trông rộng về đầu quân dưới trướng,
ngày đêm túc trực hiến kế bày mưu, thử hỏi sao ta có thể bình xong Tây Hạ
nhanh như việc thò tay xuống ủng rút chiếc roi ngựa được. Trong việc bình
Tống, nếu không có Lý Hằng là người Hán tài kiêm văn võ giúp rập dưới
trướng, sao ta có thể thống trị được cái xứ Trung nguyên mênh mông này.
Nói cho cùng thì đánh bại nhà nam Tống với ta đâu phải việc khó. Cái khó
là dẹp các đám giặc cần vương kia. Chỉ một tay Văn Thiên Tường cũng làm
ta bận tâm không ít. Thử hỏi nếu không có Lý Hằng trừ khử được Văn
Thiên Tường thì sao ta có thể kết thúc vương triều nam Tống ở Nhai Sơn
nhanh đến thế!
Diệt nhà nam Tống, công của khanh đâu có nhỏ, một tay khanh hạ
được Phàn Thành, Tương Dương, Ngạc Châu, Giang Lăng cùng mấy chục
châu quận miền nam nữa. Nếu không rắn tay phá đập dẫn nước dìm chết tất
cả quân lính và dân chúng Đàm Châu, chôn sống dân chúng Tĩnh Giang,
uống rượu bằng óc các tướng Tống trước mặt dân chúng ở Tân Sinh thì sao
có thể bẻ gãy được mọi mầm mống nổi loạn chống lại quan quân. Sát nhất
nhân vạn nhân cụ
[23]
chẳng phải là sáng ý của khanh sao. Công của khanh
lớn lắm, cho nên ta biệt đãi khanh vào hàng đệ nhất.
Sở dĩ ta tiếc Lý Hằng vì Hằng là người Hán, y hiểu người Hán hơn và
vì vậy sẽ giúp ta công việc cai trị người Hán dễ dàng hơn. Nay mất y sao ta
không tiếc, không thương. Nhưng thôi, đằng nào thì y cũng đã chết, tiếc
thương mãi cũng chẳng ích gì. Ta triệu khanh đến bàn việc đánh Giao Chỉ,
ý khanh thế nào?