- Đấy là số phận. Số tôi và số cậu không làm ra tiền của - Tiểu Quan
đồng tình nhìn Tống Cương - Ông già tôi thường nói, số chỉ có tám đấu
gạo, có đi khắp thiên hạ cũng không đầy một thùng.
Tống Cương uống một hớp to rượu trắng, anh bị ho sặc sụa. Tiểu
Quan cũng uống một hớp to rượu trắng, thấy Tống Cương đỡ ho dần, ông
xúc động giục:
- Về đi, ở thị trấn Lưu anh còn có Lâm Hồng. Ông Tiểu Quan bảo
Tống Cương, trong hai năm lúc mới ra đi, gần như ngày nào ông cũng nghĩ
phải trở về thị trấn Lưu, nhưng về thì xấu hổ, sau bốn năm năm ông không
về được nữa. Ông nói:
- Anh mới đi hơn một năm, anh còn về được, để vài năm nữa, anh
không còn hy vọng về nữa đâu.
Trong khi hai người uống rượu nói những chuyện buồn lòng, vợ ông
Tiểu Quan đã nấu xong cơm tối. Chị ăn vội ăn vàng, rồi bắt đầu chỉnh lý
hành trang, chị cứ ra ra vào vào trong nhà, không hề quan tâm đến câu
chuyện của hai người. Sau khi xếp gọn toàn bộ đồ đạc vào góc nhà, đã hơn
mười một giờ đêm, chị im lặng lên giường, đắp chăn ngủ. Tống Cương
đứng dậy chào tạm biệt. Anh bảo đã muộn lắm, anh phải về gian nhà trọ
của mình. Ông Tiểu Quan kéo tay Tống Cương không cho đi. Buồn thương
vô hạn, ông nói:
- Hơn mười năm tôi không gặp người thị trấn Lưu, không biết lần sau
có còn gặp lại.
Tống Cương lại ngồi xuống, anh một lời, tôi một câu, hai người tiếp
tục trao đổi với nhau những chuyện thương tâm. Tiểu Quan rời thị trấn Lưu
đến đảo Hải Nam, cũng làm công nhân bốc vác khốn khổ một năm như
Tống Cương, ông lại đi Quảng Đông và Phúc Kiến, làm mấy năm trên công
trường, theo năm tên cai đầu. Năm tên cai đầu đến cuối năm phát lương đều