nay ô tô của ông phủ đầy nước.
Ông từng rất thường xuyên vẽ khu rừng này, thậm chí ông còn mạo
hiểm vẽ tranh màu nước, tuy nhiên ông không có khiếu sử dụng màu sắc.
Thế mạnh của ông là cảm xúc, chuyển động, phần sống động nhất của chủ
thể, chứ ông không phải thợ tô màu. Mẹ ông thì có. Ông thì không.
Điện thoại di động của ông rung lên đúng vào lúc bảy giờ mười lăm
phút.
Không đặt cốc cà phê xuống, ông cầm điện thoại lên. Louis xin lỗi.
“Không sao,” Camille trả lời, “nói đi...”
“Cô Forestier không còn ở bệnh viện nữa.”
Một quãng im lặng ngắn ngủi. Nếu phải viết tiểu sử của Camille
Verhœven, phần lớn nhất có lẽ sẽ được dành cho câu chuyện của những
khoảng im lặng. Louis, vốn biết rõ điều đó, tiếp tục tự hỏi. Người phụ nữ
mất tích này, thực ra cô ta giữ vị trí thế nào trong cuộc sống của ông? Phải
chăng cô ta chính là lý do thực sự và duy nhất khiến ông hành xử như thế?
Lời phù chú nào đã góp phần tác động vào thái độ của Camille? Dù sao
chăng nữa, sự im lặng của thiếu tá Verhœven cũng đủ để nói lên cuộc sống
của ông đã bị đảo lộn đến thế nào.
“Biến mất từ bao giờ?” ông hỏi.
“Chúng tôi không biết, đêm qua. Nữ y tá ghé qua lúc khoảng hai mươi
hai giờ, đã nói chuyện với cô ấy, cô ấy có vẻ bình tĩnh, nhưng một giờ
trước, nữ y tá thay ca thấy phòng trống trơn. Cô ấy để lại phần lớn quần áo
trong tủ đồ để khiến mọi người tin rằng cô ấy chỉ đi ra khỏi phòng. Và thế
là họ phải mất một thời gian mới nhận ra rằng cô ấy đã thực sự biến mất.”
“Viên cảnh sát canh gác thì sao?”
“Anh ta nói anh ta có vấn đề về tuyến tiền liệt, khi anh ta vắng mặt thì
việc đó có thể kéo dài khá lâu.”
Camille nuốt một ngụm cà phê.
“Cậu lập tức cử ai đó đến căn hộ của cô ấy.”