“Tôi có thể gặp ông một lát không?” Camille hỏi. “Là về vụ hẻm
Monier…”
Vì cái nóng dễ chịu của phòng tắm mà giờ đây không khí mát lạnh
trong phòng khách khiến cô phải trở lại với cuộc đời thực một cách sỗ sàng.
Camille đã chỉ dẫn rất tỉ mỉ, rất kỹ thuật về cái lò sưởi, và đương nhiên
Anne đã nhanh chóng quên bẵng. Bằng que cời, cô mở nắp gang và nhét
vào cái lỗ há hoác một khúc củi phải khó khăn lắm mới chui vào được, cô
ra sức đẩy, khúc củi nhượng bộ, đến khi cô đóng nắp lại, trong phòng đã
phảng phất hơi lửa đốt củi hăng hắc. Cô quyết định sẽ pha cho mình một
cốc cà phê hòa tan.
Cô không thể nào làm ấm mình lên được, vì cảm thấy lạnh từ bên
trong. Lại nhìn ra rừng lần nữa trong lúc chờ nước nóng...
Rồi cô ngồi vào ghế sô pha, lật giở những bức vẽ của Camille, thật
khó lựa chọn, chỗ nào cũng có tranh. Những khuôn mặt, những vóc dáng,
những người đàn ông mặc đồng phục, cô ngạc nhiên gặp lại anh chàng
cảnh sát cao nghều có vẻ mặt ngốc nghếch và hai bọng mắt màu vàng,
người đã canh gác trước cửa phòng bệnh của cô, người đã ngủ rất say, ngáy
khò khò khi cô bỏ trốn. Anh ta đang canh gác đâu đó, chỉ ba nét vẽ của
Camille mà chân thực đến kỳ lạ.
Đó là những bức vẽ khiến ta xúc động nhưng không nhân nhượng. Đôi
khi Camille thể hiện mình là một người vẽ chân dung rất tinh tế, tàn nhẫn
hơn là khôi hài, không ảo tưởng.
Và đột nhiên (cô không hề ngờ đến) trong một cuốn sổ đặt trên chiếc
bàn thấp bằng kính, chính là cô, Anne. Trên nhiều trang giấy. Không bao
giờ ghi ngày tháng. Nước mắt lập tức trào ra. Đầu tiên là vì Camille, khi cô
tưởng tượng ông đơn độc ở đây, suốt nhiều ngày, vẽ lại bằng trí nhớ những
khoảnh khắc họ đã chia sẻ cùng nhau. Rồi vì chính cô. Không còn gì giống
với người phụ nữ là cô ngày hôm nay, những bức vẽ này thuộc về thời kỳ