Camille chỉ kịp nhìn vị bác sĩ trong một thoáng, một người không rõ
tuổi tác, áo blouse là thẳng tắp (vẫn còn nhìn thấy những nếp ly), mái tóc
bạc đều, ông ta dừng lại, hai nắm tay thọc trong túi áo, tỏ vẻ hoảng hốt khi
thấy xuất hiện một gã kích động đến thế...
“Vừa rồi ông có gặp ai không?” Camille hét lên hỏi.
Vị bác sĩ hít vào, lấy lại thái độ trang nghiêm, sẵn sàng đưa ra lời đối
đáp.
“Một người đàn ông, chết tiệt!” Camille hét lên. “Ông có gặp một
người đàn ông không?”
“Không... ờ…”
Đối với Camille, như thế là đã quá đủ, ông quay người, mở cánh cửa
như thể muốn giật tung nó ra, trở lại cầu thang bộ rồi đến hành lang, đầu
tiên là bên phải, sau đó là bên trái, thở hổn hển, chẳng có người nào ở bất
cứ đâu, ông quay trở lại, ông chạy, có điều gì đó (có lẽ là nỗi mệt mỏi) nói
với ông rằng ông đang đi sai đường, ngay khi ta tự nhủ với mình điều đó, ta
sẽ bắt đầu bằng việc chạy chậm lại, hơn nữa ông cũng chẳng thể nào tăng
tốc nổi, Camille đã đến đầu kia hành lang, một khúc ngoặt vuông góc, ông
va phải một bức tường có cái tủ điện, nơi cánh cửa, với độ cao hai mét,
được trổ những biểu tượng chỉ rõ: “Nguy hiểm chết người”. Cảm ơn đã
cung cấp thông tin.
Nghệ thuật tài tình nhất là thoát ra ngoài giống như khi ta đi vào.
Đó là việc làm khó khăn nhất, phải có sức lực, sự tập trung, cảnh giác
và sáng suốt, những phẩm chất hiếm hoi ở cùng một con người. Đối với các
vụ cướp thì cũng gần giống như vậy, ta luôn có nguy cơ hỏng việc vào đoạn
cuối, ta xuất hiện với những ý định hòa hảo, ta gặp phải sự phản kháng và
nếu mất bình tĩnh, ta sẽ lâm vào cảnh xả đạn 12 ly vào đám đông, rồi để lại
đằng sau cả một trận tàn sát chỉ vì thiếu chút máu lạnh.