thường đưa bệnh nhân lên núi để đốn củi. Ngoài các nhiệm vụ thể chất,
bệnh nhân cũng được thỏa sức tham gia các hoạt động khác, chẳng
hạn như viết, vẽ, hoặc làm đồ gốm. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có
thể nói chuyện với người khác, nhưng chỉ được xoay quanh các nhiệm
vụ đang làm.
4. Trở lại với đời sống xã hội và thế giới “thực”. Bệnh nhân rời bệnh
viện và quay trở lại với đời sống xã hội, nhưng vẫn duy trì thực hành
các bài tập thiền và trị liệu cơ năng đã thành thục trong quá trình điều
trị. Ý tưởng là giúp bệnh nhân tái hòa nhập xã hội như một con người
mới, có mục đích sống, và không bị áp lực xã hội cũng như cảm xúc
kiểm soát.
Thiền nội quán
Morita là một Thiền sư vĩ đại của trường phái thiền nội quán. Phần
lớn liệu pháp Morita dựa trên kiến thức cũng như sự tinh thông của ông
trong trường phái thiền này, tập trung vào ba câu hỏi mà mỗi cá nhân
cần phải tự vấn:
1. Tôi đã nhận được gì từ người X?
2. Tôi đã trao được gì cho người X?
3. Tôi đã gây ra vấn đề gì với người X?
Qua những suy ngẫm này, chúng ta sẽ không còn xem người khác là
căn nguyên của những vấn đề mà mình gặp phải, đồng thời làm sâu sắc
thêm ý thức trách nhiệm của chính chúng ta. Như Morita đã nói, “Nếu
bạn cảm thấy tức giận và muốn đánh nhau, hãy nghiền ngẫm về chuyện
đó ba ngày trước khi hành động. Sau ba ngày, ý chí chiến đấu mãnh liệt
đó tự khắc sẽ biến mất.”