chế tình trạng ăn quá nhiều, và tạo điều kiện để thực đơn được đa dạng
hơn.
Hara hachi bu là một thói quen đã có từ xa xưa. Cuốn sách từ thế kỷ
12 về Phật giáo Thiền Tông Zazen Youjinki khuyên chúng ta chỉ nên ăn
hai phần ba lượng thực phẩm mà mình muốn ăn. Ăn ít hơn mức mình
muốn đã trở thành đặc điểm phổ biến trong tất cả các ngôi chùa Phật
giáo ở phương Đông. Có lẽ ngay từ chín thế kỷ trước, Phật giáo đã nhìn
nhận ra những lợi ích của việc hạn chế lượng calo hấp thụ vào cơ thể.
Vậy, ăn ít sẽ sống lâu hơn?
Sẽ rất ít người phản bác lại ý tưởng này. Nếu không ăn kiêng cực
đoan tới mức suy dinh dưỡng, việc ăn ít calo hơn nhu cầu cơ thể cần
dường như làm tăng tuổi thọ. Chìa khóa để duy trì sức khỏe trong khi
tiêu thụ ít calo hơn là ăn những loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao
(đặc biệt là những “siêu thực phẩm”) và hạn chế ăn những loại thực
phẩm làm tăng lượng calo tổng thể nhưng lại nghèo hoặc không có giá
trị dinh dưỡng.
Hạn chế lượng calo dung nạp là một trong những cách hiệu quả nhất
để gia tăng thêm vài năm tuổi thọ. Nếu thường xuyên tiêu thụ đủ hoặc
quá nhiều calo, cơ thể sẽ trở nên uể oải và bắt đầu bị bào mòn, do phải
dành quá nhiều năng lượng cho việc tiêu hóa.
Một lợi ích khác của việc hạn chế dung nạp calo là làm giảm IGF-1
(yếu tố tăng trưởng giống insulin) trong cơ thể. IGF-1 là một protein
đóng vai trò quan trọng trong quá trình lão hóa; có vẻ như một trong
những lí do khiến con người và động vật già đi chính là sự dư thừa quá
mức loại protein này trong máu.
Mặc dù chưa thể khẳng định việc hạn chế dung nạp calo làm tăng
tuổi thọ, nhưng các dữ liệu ngày càng cho thấy việc hạn chế dung nạp
calo ở mức vừa phải kết hợp với dinh dưỡng đầy đủ giúp chúng ta tránh
khỏi những căn bệnh như béo phì, tiểu đường tip 2, viêm nhiễm, cao