vấn đề lương tâm đó không được giải quyết. Và chính nhờ sự nhẫn nhục
này của người Do-Thái, mà 34 chánh phủ đã phải miễn cưỡng bỏ thăm tại
Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tán thành việc lập quốc của Do-Thái.
Không phải các chánh phủ này thương yêu gì người Do-Thái, nhưng khi họ
đưa ra lá thăm chấp nhận cho nước Israël được khai sanh, họ đã hành động
vì quyền lợi của chính họ. Các chánh phủ này hiểu rất minh bạch rằng vấn
đề Do-Thái là một cục đá thử vàng, một cơ hội thử thách tánh chất dân chủ
thiệt sự hay giả hiệu của quốc gia họ. Nếu họ hùa theo các thế lực thống trị,
chống lại những đòi hỏi chánh đáng của một đám người tranh đấu cho sự
no ấm và việc thiết lập một tổ quốc, thì khi đó, họ sẽ chống lại ngay lương
tâm của nhân dân họ. Và điều này chứng minh rằng họ không phải là đại
diện thiệt sự cho dân tộc mà họ cai trị…
Tuy nhiên, sự nhẫn nhục chịu đựng không phải là sự đầu hàng. Người
Do-Thái nhẫn nhục để mà tranh đấu cho có hiệu quả hơn, trước những thế
lực đang dựa thuần túy vào quân đội và cảnh sát để mà đàn áp và cai trị. Từ
sự nhẫn nhục chịu đựng tất cả, đến sự đầu hàng kẻ thống trị, có một khoảng
cách rất lớn, mà người Do-Thái đã ý thức được rõ rệt.
Phải dũng cảm lắm mới nhẫn nhục nổi. Vì việc chụp lấy cây súng bắn
vào kẻ đứng trước mặt thì rất dễ, nhưng việc bắn giết này không giải quyết
được gì. Trong trường hợp của Israël trước thời lập quốc, việc bắn giết bừa
bãi cho thỏa lòng căm hận này lại là một sự lầm lỗi, một sự diệt vong. Cho
nên phải nhẫn nhục mà học hỏi, mà tổ chức, mà đào tạo các nhân dân địa
phương cho họ theo mình. Viết về bản chất dũng cảm này của dân Israël,
tướng Moshe Dayan dùng những lời lẽ nguyên văn như sau :
« Muốn giải thích sự thắng lợi của quân đội Israël, nếu chỉ nói tới tinh
thần và sự hy sanh của binh sĩ Do-Thái thì không đủ. Đã đành đó là yếu tố
quan trọng, nhưng không đủ để giải thích hết… Kinh nghiệm thâu thập
được trong mười năm đã giải thích được cuộc chiến thắng chớp nhoáng…
». Ben Gourion, khi nhận định về quân đội Do-Thái cũng viết : « Từ ngày
phiêu bạt, dân tộc Do-Thái trải qua những thăng trầm tùy hoàn cảnh. Tới
cuối thế kỷ 19, tám mươi tám phần trăm người Do-Thái hiểu rằng phải tự