mà người Do-Thái không biết bám víu vào một thế lực nào để tìm ra lối
thoát. Khi người Do-Thái bị tù đày, bị tàn sát, kêu gọi thống thiết đến
Yahvé, mà vẫn chỉ có sự im lặng của ngục tù và pháp trường đáp lại, thì
Yahvé đi đâu ? Lạy Chúa, phải chăng Chúa đã ngoảnh mặt đi nơi khác, và
để cho con cái của Chúa phải lang thang, chết chóc ? Nếu quả thiệt là vậy,
thì còn tranh đấu làm gì nữa, và chỉ còn cách là phải an thường thủ phận,
chấp nhận một cuộc sống âm thầm như con cáo trong hang mà thôi.
Do tinh thần này, mà trong nhiều thập niên cuối thế kỷ 19, đám người
Do-Thái đã không còn muốn phục quốc một cách huy hoàng nữa, mà chỉ tụ
tập với nhau, sống cách nào để đừng bị các xã hội chung quanh khủng bố
mà thôi. Và cũng do tinh thần mất gần hết niềm hy vọng và tin tưởng đó,
mà khi một nhóm nhỏ người Do-Thái đề ra các chương trình có tính cách
dân tộc và cứu quốc, thì đa số người Do-Thái đã không tha thiết hưởng ứng
nữa. Với cái đà đó, chỉ cần nửa thế kỷ nữa, là đám dân Do-Thái sẽ bị phân
tán thêm, đồng hóa nhiều hơn với các nền văn minh địa phương, nghĩa là
dân tộc tánh Do-Thái sẽ bị tiêu diệt, nếu không có một sự xuất hiện của một
con người như Herzl.
Ngày nay, sau một thế kỷ, người Do-Thái tại Israël, khi nhìn lại chặng
đường mà dân tộc Israël đã đi qua, đều không thể không sấp mình xuống
mà nói với Thượng-Đế rằng : Lạy chúa, quả thiệt chúa là đấng chăn chiên,
và chúa đã dùng mỗi con người vào một nhiệm vụ mà chỉ riêng chúa là
hiểu rõ.
Herzl đã xuất hiện đúng lúc mà dân tộc Do-Thái chới với nhứt trong
sự tuyệt vọng và sẵn sàng ngả theo mọi sự buông trôi đồng hóa. Và Herzl
đã làm thức tỉnh ý chí phục quốc, ý chí phục sanh dân tộc của người Do-
Thái thời đó.
Có thể nói được rằng Do-Thái, cũng như Hồi-Quốc, đã phát sanh từ
một cuốn sách. Chỉ cần một cuốn sách chánh trị, như cuốn Quốc-Gia Do-
Thái của Herzl, hay một cuốn thơ như trường hợp của Hồi, là cả một dân
tộc bừng tỉnh dậy, lao mình vào con đường lập quốc, và họ đã thành công.