Trở lại Palestine
Đề nghị lập quốc tại Phi-Châu (Ouganda) đã chia rẽ trầm trọng nội bộ
Do-Thái. Một số đại biểu cho rằng nên chấp nhận việc lập quốc này, coi nó
là một giải pháp tạm thời để cứu vãn cho dân tộc Do-Thái khỏi bị phân hóa
và tản mác thêm, nhưng đa số lại quyết liệt đòi trở về Palestine. Kết quả là
một số phái đoàn Do-Thái đã tuyên bố ly khai với tổ chức Sion tại Hội nghị
1905. Những phần tử tán thành việc lập quốc tại Ouganda đã thành lập một
đoàn thể mới, mang tên là « Tổ chức Do-Thái định quốc » gọi tắc là J. T. O.
(Organisation Juive Territorialiste). Còn các phần tử chống lại việc đi Phi-
Châu thì cùng nhau thành lập một cơ quan mới, nhằm mục tiêu củng cố vị
trí Do-Thái đang có tại Palestine, và mang tên là « Liên đoàn mở mang đất
Palestine », đặt trụ sở tại Jaffa (Compagnie pour le développement de la
terre en Palestine). Liên đoàn này cũng cố gắng khai thác niềm tin của các
phần tử đã từng tham gia tổ chức phục quốc Sion (những người được mệnh
danh là Si-ô-nít) đồng thời đưa ra quyết định là từ nay, tiếng Hébreu phải
được coi là ngôn ngữ văn tự chánh thức trong tất cả các sự giao thiệp giữa
các người Do-Thái cũng như giữa các cơ quan Do-Thái.
Sau một thời gian hoạt động, tổ chức JTO cũng tuyên bố từ bỏ ý định
lập quốc tại Phi-Châu và chủ trương đưa dân Do-Thái qua định cư tại Mỹ
quốc. Một sự dàn xếp được thành tựu, theo đó thì các nhà lãnh đạo Huê-Kỳ
thỏa thuận cho người Do-Thái tới sanh sống tại vùng hải cảng Galveston
nơi bờ biển Đông Nam của nước Mỹ.
Nhưng một lần nữa, đa số đại biểu Do-Thái không thuận, vì cho rằng
qua sanh sống trong các điều kiện mới, thì dân Do-Thái sẽ bị đồng hóa
thành người Mỹ hết, nghĩa là càng ngày càng mất gốc và không còn hy
vọng gì phục quốc được nữa. Một đại biểu có nhiều uy tín là Nathan
Birnbaum cho biết : « Việc Huê-Kỳ muốn biến tất cả dân Do-Thái thành
người Mỹ cũng giống hệt việc một cường quốc chiếm một dân tộc để cai
trị, nhưng việc đưa dân tộc đó vào nội bộ mẫu quốc còn nguy hiểm cho dân
tộc đó gấp bội việc bị cai trị từ ngoài ».