II
Cố không làm ồn, tôi sửa soạn đi: đội mũ sắt, choàng tấm bạt ngụy
trang lên trên áo khoác, xách khẩu tiểu liên và rón rén bước ra khỏi
hầm, dặn chiến sĩ đứng gác không cho ai vào nếu chưa có lệnh của tôi.
Đêm hôm ấy trời đầy mây đen. Tuy mưa đã tạnh nhưng gió vẫn thổi
từng cơn, tối mù mịt và giá lạnh.
Căn hầm của tôi ở bìa rừng, đi khoảng bảy trăm mét thì tới bờ con
sông Dnepr ngăn cách chúng tôi với bọn Đức. Bờ đối diện cao hơn
cho phép khống chế bờ bên này, vì vậy tiền duyên của trận địa chúng
tôi được bố trí sâu vào trong, ở một tuyến lợi thế hơn, còn ngay cạnh
sông chỉ để các đơn vị cảnh giới.
Tôi lần mò theo bìa rừng, định hướng chủ yếu nhờ những phát pháo
sáng ở phía bờ địch: chốc chốc lại một phát vụt lên lúc chỗ này lúc
chỗ kia trên toàn tuyến phòng ngự của bọn Đức. Thỉnh thoảng lại một
tràng liên thanh nhát gừng xé toạc màn đêm tĩnh mịch. Đêm đêm bọn
Đức thường đều đặn cứ vài phút lại bắn sang dải bờ sông bên chúng
tôi và bắn xuống mặt sông - để “bảo hiểm”, theo lời trung đoàn trưởng
của chúng tôi.
Ra đến bờ sông, tôi đến đoạn hào có vọng cảnh giới gần nhất và cho
gọi trung đội trưởng trung đội cảnh giới đến gặp tôi. Khi anh ta đến,
miệng còn thở hổn hển, chúng tôi liền cùng nhau đi dọc bờ sông. Anh
ta lập tức hỏi tôi về “thằng nhóc”, có lẽ cho rằng việc tôi ra đây có liên
quan đến chuyện bắt giữ thằng bé. Tôi không trả lời mà vội lái câu
chuyện sang hướng khác, nhưng trong đầu bất giác luôn trở lại chuyện
thằng bé.
Tôi nhìn chăm chú xuống lòng sông Dnepr ẩn trong đêm đen bao
phủ, rộng đến nửa cây số, và không tài nào tin được là chú bé
Bondarev đã từ bờ bên kia sang? Chẳng lẽ các vọng cảnh giới đã