hiểu ra tình huống.
Chiếc áo sơ mi lấm bê bết và chiếc quần ngắn cũn cỡn đã cũ, bằng
vải thô, theo nhận xét của tôi, may ở thôn quê, rất có thể là vải tự dệt
lấy ở nhà; nhưng nói năng lại rất chỉnh, giọng nặng về “a” như giọng
người Moxcva và người Bạch Nga; cứ theo giọng nói thì rõ ràng là
dân thành thị.
Đứa bé đứng im trước mặt tôi, thỉnh thoảng lại gườm gườm nhìn
tôi, vẻ cảnh giác và xa lạ, mũi nó sụt sịt và toàn thân run cầm cập. Tôi
đưa cho nó chiếc khăn bông kẻ sọc không còn sạch lắm và nói như ra
lệnh:
- Cởi hết quần áo ra và lau xát khắp người đi. Mau!
Nó cởi áo, để lộ ra thân hình nhỏ bé gầy gò giơ đủ bộ xương sườn,
đen đủi vì cáu bẩn, và đưa mắt nhìn chiếc khăn bông, lưỡng lự.
- Cứ lau đi! Khăn bẩn đấy mà.
- Nó bắt đầu lau, xát mạnh ngực, lưng, tay.
- Cởi cả quần ra! - Tôi hạ lệnh. - Ngượng à?
Nó, vẫn lại lặng lẽ, loay hoay với dải rút ướt sũng mãi mới cởi được
cái dây buộc thay thắt lưng và tụt quần ra. Nó, còn hoàn toàn là một
đứa trẻ con, vai hẹp, chân tay khẳng khiu, trông chỉ không hơn mười -
mười một tuổi, mặc dù nếu chỉ nhìn khuôn mặt cau có, đầy suy tư
chẳng chút thơ ngây, với những nếp nhăn trên vầng trán dô, thì có lẽ
phải bảo nó đến mười ba tuổi. Vơ cả áo lẫn quần, nó quẳng vào góc
hầm cạnh cửa vào.
- Ai sẽ hong cho đây? Chú chắc? - Tôi hỏi.
- Người ta sẽ mang quần áo mới đến cho cháu.
- Thế à? - Tôi tỏ ý nghi ngờ. - Thế quần áo của cháu đâu?
Nó lại lặng thinh. Tôi đã định hỏi giấy tờ của nó đâu, nhưng kịp
nghĩ ra là nó còn quá nhỏ nên không thể có giấy tờ gì.
Tôi lôi dưới phản ra chiếc áo bông của chiến sĩ cần vụ hiện nằm ở
trạm xá tiểu đoàn. Thằng bé đứng cạnh lò, lưng quay về phía tôi: giữa