lưng chàng, muốn lôi chàng xuống nhưng chàng đã có sợi dây và từ vô
thức, chàng ôm rất chắc.
Khi đã leo được lên trên, chàng dùng sợi dây quấn mình vào thân cây và
cột thật chặt. Xong, thân thể chàng cứng ngắc và đầu óc chàng rũ liệt, hai
tay ôm phần cây gẫy, gục trên cánh tay, chàng rơi vào trạng thái u mê rồi
không biết gì nữa.
Cao điểm của trận cuồng phong kéo dài từ mười một giờ đêm tới ba giờ
sáng. Gia đình Mapuhi núp trên ngọn cây dứa dại (Pandanus, giống với cây
cọ nhưng thuộc họ Dứa - Pandanaceae.-ND). Nó bị gió đánh gãy ngay lúc
mười một giờ và bị nước cuốn. Mapuhi trồi trên mặt hồ, tay vẫn nắm chặt
con bé N’gakura. Chỉ dân các đảo Nam Mỹ chuyên nghề mò ngọc mới
sống nổi trong tình trạng bị dìm dưới nước như thế. Cây dứa dại nơi hắn cột
mình bị xoáy cuộn trong các lớp sóng, trở ngang trở dọc, chìm tới chìm lui.
Cứ lúc nó chìm xuống thì hắn buông tay, nổi lên và giữ cho cái đầu hắn với
đầu con bé N’gakura ở trên mặt nước để thở. Lúc nó nổi lên, hắn bám thật
nhanh chỉ một tay thôi, tay kia phải nắm con bé. Nhưng thở rất khó, không
khí toàn hơi nước và bọt nước mặn của các lớp sóng, lại mưa nữa, mưa
chéo góc bắn vào mặt hắn.
Mười dặm ngang qua mặt hồ là vòng cát san hô. Ở đấy nhấp nhô các
thân cây, xác xuồng, xác nhà; mười người sống sót trên mặt hồ thì đến chín
người bị đập vào những thứ hỗn tạp đó mà chết. Nhưng Mapuhi gặp may.
Sự may mắn của hắn thuộc một trong mười phần, chỉ con bé N’gakura bị
thương, gãy cánh tay trái, các ngón tay mặt bị nghiền, mặt và trán toác tới
tận xương. Hắn bám được một cây cụt hãy còn đứng và trèo lên, mang theo
đứa con gái, cột mình vào đó trong khi nước hồ tràn tới đầu gối, lúc cao thì
tới ngang bụng.
Đến ba giờ sáng thì cơn cuồng phong dịu bớt. Năm giờ sáng chỉ còn
những cơn gió nhẹ. Sáu giờ sáng hoàn toàn yên lặng và mặt trời ló dạng.
Biển đã rút. Từ trên bờ còn lại của hồ nước mặn, Mapuhi nhìn thấy xác