với mụ là cao lương mỹ vị ấy. Mụ dùng hàng tiếng đồng hồ để mở rộng lỗ
thủng, moi từng chút cá một cách kiên nhẫn.
Tám ngày dài mụ mong có sự cứu giúp. Nhưng tám ngày đó mụ không
ngồi yên. Mụ bện dây thừng bằng xơ dừa, kể cả phần còn lại của chiếc ahu,
dùng để cột chiếc lái mụ đã tìm được vào xuồng. Khó nhất là làm bơi chèo.
Mụ phá chiếc thùng lấy mảnh gỗ ván tương đối vừa phải, dùng răng cạp
từng chút ở một đầu cho nhỏ dần rồi cột lại với thanh gỗ lấy từ miệng
thùng, vậy là mụ đã có một chiếc bơi chèo tuy ngắn nhưng cũng xài tạm
được. Một vài chỗ nứt trên xuồng thì mụ chịu thua. Mụ nhét đỡ bằng xơ
dừa và hy vọng sẽ dùng gáo dừa tát nước.
Vào ngày thứ mười tám, nửa đêm, mụ "hạ thủy" chiếc xuồng, bắt đầu
trở lại đảo Hikueru với lương thực gồm hai hộp cá mòi còn lại. Mụ là một
bà già gần sáu mươi tuổi. Sự cực nhọc đã lấy hết mỡ của mụ chỉ để lại da
bọc xương, nhăn nhúm như con ma đói. Chiếc xuồng quá lớn, đáng lẽ ít
nhất phải ba người đàn ông chèo, bây giờ mụ chỉ có một thân một mình với
chiếc bơi chèo ngắn ngủn tự chế tạo lấy. Xuồng lại rò rỉ một cách tệ hại nên
một phần ba thời gian mụ phải dùng để tát nước. Vậy mà đến sáng mụ đã lờ
mờ nhìn thấy đảo Hikueru. Mặt trời thiêu đốt thân thể hoàn toàn trần trụi
của mụ, ép khô hết nước. Hai hộp cá mòi để đấy lâu lâu mụ chỉ nhấm nháp
bởi vì không có thì giờ moi cá. Dòng nước chảy về phía tây, mụ xuôi theo
phía tây, xem có cách nào đến được phía nam không.
Vào khoảng xế chiều, mụ đứng thẳng người trong xuồng nhìn Hikueru.
Cảnh sum xuê của những cây dừa cây bây giờ không còn nữa. Đây đó, rải
rác những thân cây cụt hoặc bị đổ gãy nằm hỗn độn, thê lương, tàn tạ. Cả
đảo không còn lấy một ngôi nhà hoặc một chiếc chòi nguyên vẹn, chỉ có
những chỗ người ta đào cát, khum lên, che đỡ một miếng gì đó ở tạm. Dù
sao hòn đảo thân yêu cũng làm mụ phấn khởi, mụ thấy mình đã gần với nó
hơn so với dự đoán. Nhưng dòng nước cứ tiếp tục chảy xuôi về phía tây
trong khi đảo ở phía nam. Mụ vội vã chèo. Mảnh gỗ làm chèo xộc xệch rồi