uống trà và trò chuyện nhắc lại quá khứ trong những góc sân, những ngôi
nhà trong ngõ hẻm, nơi khách du lịch không ai nhìn thấy bao giờ. Ngay sau
hôm chị về đây, chưa được một tuần lễ, bà hoàng già lụ khụ Liliucalani đã
sai người tìm chị để mời đến chơi nhà và đã quở mắng đầy tớ về tội chưa
tiếp đãi chị cho thật chu đáo. Còn những cụ già móm mém, ngồi trên những
chiếc chiếu mát rượi và thơm phức, thường kể chị nghe về ông nội của chị,
thuyền trưởng Uyntơn. Bản thân họ chưa hề được gặp cụ nhưng lại thích
gợi lại những kỷ niệm về cuộc đời phóng đãng, về những hành vi điên rồ
của cụ, mà họ biết được do cha mẹ họ kể lại. Ông nội chị – thuyền trưởng
Uyntơn, – chính là Đêvít Uyntơn, cũng được gọi là “Người bách nghệ” –
biệt danh do dân Haoai yêu mến đặt cho cụ thời bấy giờ. Cụ lúc đầu là
người buôn bán ở vùng Tây-Bắc hoang dã, về sau trở thành kẻ giang hồ,
thuyền trưởng không có thuyền. Cũng chính cụ năm 1820, đứng trên bờ
biển Cailoa đã chào đón những nhà truyền giáo đầu tiên đến hòn đảo này
trên chiếc thuyền buồm lớn Tađêus”, và sau đấy vài năm chính cụ đã quyến
rũ được con gái của một trong những nhà truyền giáo kia, cưới cô làm vợ,
trở nên người chín chắn rồi phục vụ một cách chăm chỉ và trung thành các
vị vua Camêhamêha trong một thời gian dài với chức vụ Thượng thư Bộ tài
chính và Giám đốc Nha thuế vụ, đồng thời đóng vai môi giới và hoà giải
giữa một bên là những nhà truyền giáo, một bên là đám người phức tạp và
luôn thay đổi, gồm những dân du thủ du thực, lái buôn và những tù trưởng
Haoai.
Li Báctơn cũng không thể có gì phải phàn nàn về sự lạnh nhạt của mọi
người ở đây đối với anh. Mỗi khi nhân một dịp nào đó, dân ở đây tổ chức
những cuộc vui chơi ngoài biển, nhảy múa hoặc những bữa ăn uống nhậu
nhẹt theo kiểu dân tộc gọi là “luao”, các bè bạn cũ đều không quên kéo anh
vào dự vui với họ.
Đã có thời họ là những kẻ táo tợn, sống ngày nay không cần biết đến
ngày mai. Bây giờ họ phát hiện ra rằng, thiên nhiên đã phú cho họ chức
năng tiêu hoá và nhiều chức năng khác của cơ thể, thế là họ trở lại lành