ta vẫn tưởng lá cờ Mỹ tượng trưng cho sự che chở chị cũng tưởng như thế.
Và chị đã bị một chuyện như thế này: Chồng chị bị tai nạn, phải đi nằm
bệnh viện đã ba tháng. Chị phải đi giặt quần áo thuê, nhưng cũng không đủ
trả tiền nhà. Chúng nó đã đuổi chị. Trước hết, chị kéo quốc kỳ Mỹ lên trước
cửa và chị đứng dưới quốc kỳ, tuyên bố rằng thể theo sự che chở của lá
quốc kỳ, không ai có quyền ném chị ra đường. Sau thì sao? Chị bị bắt đưa
ra toà vì… loạn óc. Hôm nay, chị được các nhà chuyên môn về bệnh loạn
óc khám nghiệm. Họ khám thấy chị loạn óc thật. Chị bị giam vào nhà điên
Napa”.
- Anh tìm ví dụ xa xôi quá, – tôi cãi. – Cứ đặt giả thuyết là em bất đồng
ý kiến với tất cả mọi người về cách viết một cuốn sách văn học, có ai vì thế
lại nhốt em vào nhà điên bao giờ?
- Đúng lắm, – anh đáp. – Bất đồng ý kiến như vậy không thành một sự
đe doạ cho xã hội. Sự khác nhau là ở chỗ ấy. Bất đồng ý kiến như Mary
McKenna và đức Giám mục là một mối đe doạ cho xã hội. Nếu tất cả những
người nghèo đều không chịu trả tiền thuê nhà và đều nấp dưới lá cờ Mỹ cả
thì sẽ ra thế nào? Quyền tư hữu của các trạch chủ sẽ tan rã. Những quan
điểm của đức Giám mục cũng vậy, rất nguy hiểm đối với xã hội. Thế cho
nên mời ông vào nhà điên.
Nhưng tôi nhất định không tin.
- Em cứ đợi xem, – Ernest nói.
Và tôi đợi.
Sáng hôm sau, tôi cho đi mua tất cả các báo. Không báo nào đăng lấy
một lời của đức Giám mục Morehouse. Một hai tờ đưa tin rằng đức Giám
mục đã quá xúc động. Còn những diễn giả tiếp sau, tuy nói nhạt như nước
ốc nhưng vẫn được đưa lên báo một cách rộng rãi.
Ít lâu sau, báo chí đăng một tin rất ngắn ngủi rằng đức Giám mục, vì
lao lực thái quá, phải đi nghỉ để lấy lại sức khoẻ. Càng ngẫm càng thấy
Ernest nói đúng. Nhưng có một điều là không ai nói đức Giám mục loạn óc
hay suy nhược thần kinh cả. Và tôi cũng không ngờ tới con đường đau khổ
ghê gớm mà đức Giám mục sẽ phải đi qua, con đường lên núi Calvary, lên
câu rút, mà Ernest đã đoán trước cho Người.
Chú thích: