một lối hành hình rất thông dụng thời bấy giờ. Lối bức tử bằng thuốc mê
mãi sau này mới áp dụng. Pervaise bản tâm là người tốt, tuy y hung hãn
như thú vật. Y nằm trong tù đợi chết và bọn mật thám của cái Gót sắt thuyết
phục, y đã ném bom vào Hạ nghị viện. Trong lời xưng tội của y đã khai rõ
điều này: bọn mật thám đã cho y biết trước rằng sức quả bom rất yếu và sẽ
không giết được ai. Điều đó phù hợp với việc bom nhồi rất ít thuốc và mặc
dầu nổ ngay dưới chân Ernest vẫn không làm chết người được.
Pervaise được đưa bí mật vào một cái hành lang bịt kín không cho ai
vào, nói là để chữa. Y được lệnhphải chọn lúc để ném quả bom, nhưng y
ngây thơ xưng tội rằng y đã bị những lời phát biểu của Everhard và sự xao
xuyến trong hội trường thu hút, đến nỗi suýt quên cả nhiệm vụ.
Để thưởng công cho y, cái Gót sắt không những đã thả y ra mà còn trợ
cấp tiền cho y sống đến hết đời. Nhưng y cũng chẳng sống được lâu. Tháng
9 năm 1914, y bị bệnh thấp biến chứng vào tim và chỉ sống được ba ngày.
Lúc đó y cho đi mời một thầy tu công giáo là Cha Peter Durban và y đã
xưng tội với ông ta. Chắc hẳn dưới mắt người thầy tu này, đây là một việc
rất quan trọng, vì vậy ông đã ghi lại thành văn bản, bai Pervaise thề và kí
vào đó. Việc này về sau diễn biến ra sao, chúng tôi cũng chỉ ức đoán được
thôi. Tài liệu này chắc phải khá quan trọng nên mới được gửi về La Mã:
Những bậc có quyền thế chắc đã tìm mọi cách để bưng bít nó đi. Hàng mấy
thế kỉ không hề có ai biết một tí gì về nó. Mãi tới thế kỉ vừa rồi, nhà học giả
xuất sắc người Ý tên là Lorbia vào tra cứu và Vatican mới tình cờ tìm ra nó.
Ngày nay, chứng cớ đã rành rành là cái Gót sắt phải chịu trách nhiệm
về quả bom nổ ở Hạ nghị viện năm 1913. Ngay như lời xưng tội của
Pervaise không đưa ra ánh sáng thì sự thể cũng đã rõ ràng: bởi vì hành vi
trên đây khiến cho 52 nghị sĩ xã hội phải vào nhà giam, hoàn toàn ăn khớp
với nhiều hành vi khác của bọn thiểu số thống trị và trước đó, của bọn tư
bản. Vụ thảm sát những người vô tội mà giới thống trị gọi là "Bọn vô chính
phủ Haymarket" ở Chicago hồi gần cuối thế kỉ thứ 19 thuộc công nguyên là
một ví dụ kinh điển về những vụ tàn sát hung ác, dã man, được toà án cho
phép. Những vụ đốt phá các tài sản tư bản do chính bọn tư bản cố tình gây
ra cần được xếp riêng ra một loại. Sau những vụ đốt phá như thế, lại cái
đám dân vô tội bị trừng trị, bị "đặt lên đường ray", nói theo tiếng thời đó.