làm gã đau nhói, trái ngược với ý thức mình đã làm chủ được mọi vấn đề
đang chớm nở trong óc. Gã ví mình như một nhà thơ, trôi dạt đến những
bến bờ, của một miền đất lạ, óc chứa đầy sức mạnh của cái đẹp, ngập ngừng
ấp úng, cố hát lên bằng một thứ ngôn ngữ man rợ, thô bạo của những người
đồng loại với gã trên miền đất này mà vô hiệu. Tình trạng của gã chính là
như vậy. Gã đang sống, sống một cách đau đớn trước những sự vật to lớn
của vũ trụ, ấy thế mà gã lại cứ phải ngồi vơ vẩn mất thì giờ, mò mẫm với
những câu chuyện của bọn học trò trẻ con, đắn đo suy nghĩ xem có nên học
tiếng Latin hay không?
“Tiếng Latin thì dùng làm cái quỉ gì được?” Đêm hôm đó, gã đứng
trước gương tự hỏi. “Ta muốn rằng những kẻ đã chết cứ mặc cho chúng
nằm đấy mà chết. Tại sao ta và cái đẹp trong ta lại bị những kẻ đã chết chi
phối? Cái đẹp sống và sống mãi mãi. Ngôn ngữ tồn tại và mất đi. Nó là cái
bụi của những kẻ đã chết.”
Và ngay sau đó gã nghĩ rằng gã đã diễn đạt tư tưởng của mình rất rõ
ràng, gã lên giường, tự hỏi không hiểu tại sao gã không thể nói được như
vậy khi ngồi với Ruth. Lúc ở trước mặt nàng, gã chỉ là một cậu học trò, với
ngôn ngữ của một cậu học trò.
“Hãy cho ta thời gian!” Gã nói lớn, “chỉ cần cho ta thời gian.”
Thời gian! Thời gian! Đó là lời than không dứt của gã.
-------------
[53]
Một nhà triết học tư sản Anh (1820-1918). Ông ta phản đối lý luận Cách
mạng xã hội.
[54]
Năm 1860, Herbert Spencer xuất bản cuốn “Tổng hợp triết học đề yếu.”
Bộ thứ nhất xuất bản năm 1862 là bộ “Những nguyên lý cơ bản,” tiếp
đó đến “Nguyên lý sinh vật học” “Nguyên lý tâm lý học.” “Nguyên lý
xã hội học” và “Nguyên lý luân lý học.” Năm 1895 thì xuất bản toàn
bộ.
[55]
Immanuael Kant (1724-1804) – một triết gia Đức chủ trương thuyết Bất
khả tri. Ông cho rằng người ta chỉ có thể hiểu được hiện tượng của sự
vật chứ không thể nào hiểu được bản chất của sự vật.
[56]
Georges John Romanes (1848-1896), một nhà sinh vật học người Anh.