và các mối quan hệ với nhà cung cấp như Hasbro. Bezos gợi ý lãnh
đạo của Toys “R” Us gặp Harrison Miller, giám đốc phân nhóm đồ
chơi. Các công ty tổ chức cuộc họp trù bị tại Seattle, tuy nhiên lúc đó
Amazon không nhận thấy có nhiều lý do để hợp tác với đối thủ
cạnh tranh chính.
Mùa xuân năm sau, Miller và nhóm điều hành Amazon nghiên
cứu vấn đề dự trữ và vận chuyển đồ chơi, sau đó kết luận rằng
để tạo ra lợi nhuận trong phân nhóm này đòi hỏi doanh thu phải đạt
ít nhất một tỉ đô la. Thách thức lớn nhất đến từ việc lựa chọn và
chuẩn bị chính xác loại đồ chơi – những điều mà Toys “R” Us làm
rất tốt.
Một vài tuần sau, Miller và Mark Britto, điều hành nhóm phát
triển kinh doanh của Amazon, gặp ban lãnh đạo của ToysRUs.com
trong một phòng hội nghị nhỏ tại sân bay quốc tế O’Hare của
Chicago và chính thức đàm phán về điều kiện hợp tác bán đồ chơi.
Dường như đây là sự kết hợp hoàn hảo. Toys “R” Us là tay lão
luyện kinh doanh trong ngành, sẽ chọn sản phẩm đồ chơi phù hợp
cho từng mùa, có các mối quan hệ cần thiết với nhà sản xuất để
có mức giá tốt nhất và đủ hàng cung cấp của những đồ chơi phổ
biến nhất. Tất nhiên, Amazon có kinh nghiệm vận hành kinh
doanh bán lẻ trực tuyến và chuyển hàng tới khách hàng đúng hạn.
Việc đàm phán, khi Bezos dính vào, thường kéo dài và theo như Jon
Foster thì “hết sức khắt khe”. Bezos tập trung xây dựng quy trình
chọn lựa sản phẩm toàn diện và muốn Toys “R” Us cam kết đưa
tất cả sản phẩm hiện có lên trên trang web. Toys “R” Us lập luận
rằng điều này không thực tế và tốn kém. Trong khi đó, công ty
muốn trở thành người bán đồ chơi độc quyền trên Amazon.com.
Bezos cảm thấy điều này quá chặt chẽ và gò bó.