hoặc bị mờ khi sử dụng thường xuyên. Intel bán bộ phận sản xuất
chíp xử lý XScale mà Amazon sử dụng trên chiếc Kindle cho công ty
chíp Marvell. Qualcomm và Broadcom, hai công ty công nghệ kết
nối không dây sản xuất chi tiết kết nối dữ liệu cho chiếc
Kindle, kiện nhau vào năm 2007 và dường như tòa án sẽ không cho
phép một số chi tiết chính của Kindle nhập vào Mỹ. Chính bản thân
Bezos cũng khiến kế hoạch ra mắt sản phẩm chậm lại, ông luôn
tìm thấy chi tiết chưa hài lòng của thiết bị và yêu cầu chỉnh sửa.
Dự án Kindle bị trì hoãn quá lâu đến nỗi nó trở thành chủ đề
bàn tán dai dẳng trong nội bộ công ty, mặc dù không ai được biết về
sự tồn tại của dự án. Trong một cuộc họp các bên tại rạp hát Moore
vào mùa thu năm 2006, ai đó đứng dậy và đặt ra câu hỏi, “Anh có thể
cho chúng tôi biết Lab126 là gì không?”
Bezos đáp trả cộc cằn: “Nó là trung tâm phát triển ở phía bắc
California. Câu hỏi tiếp theo.”
Để dự án Kindle thành công trong dài hạn, Amazon cần kho sách
điện tử – tựa sách phong phú, đa dạng. Bezos đã chứng kiến
Rocketbook và sau này là Sony Reader lâm vào tình cảnh khó khăn vì
lượng sách ít ỏi. Chẳng có nhiều đầu sách điện tử cho chủ sở hữu
thiết bị. Mục tiêu của ông là phải xây dựng kho sách một trăm nghìn
tựa sách, gồm 90% các đầu sách bán chạy nhất theo tờ New York
Times, sẵn sàng tải về khi thiết bị được tung ra thị trường. Vào thời
điểm đó, các nhà xuất bản đã số hóa những sách mới xuất bản có
doanh số tốt, vào khoảng 20.000 tựa sách. Kho sách Kindle hoàn
thành đã giúp ông hiện thực hóa phần nào giấc mơ về cửa hàng
triệu đồ, một thư viện lưu trữ toàn diện, cực kỳ thuận tiện cho khách
hàng truy cập. Và để hiện thực hóa giấc mơ này, Amazon sẽ phải gây
áp lực, phỉnh phờ và thậm chí cả đe dọa một số đối tác lâu năm,
những công ty đã coi Amazon như đối tác tin cậy tuyệt đối.