Tia sáng này, cũng như tia sáng thứ chín, không được biết tới trên trái đất,
nhưng người Hỏa tinh đã phát hiện ra rằng nó mang thuộc tính cố hữu của
mọi thứ ánh sáng bất kể là nó phát ra từ nguồn sáng nào. Họ đã biết rằng
chính tia sáng mặt trời thứ tám đã đưa ánh sáng của mặt trời tới những hành
tinh khác nhau, rằng chính tia sáng thứ tám riêng biệt của mỗi hành tinh sẽ
“phản chiếu” hay đẩy ánh sáng đã hấp thu ra không gian một lần nữa. Tia
sáng mặt trời thứ tám được hấp thu bởi bề mặt của Barsoom, nhưng tia
sáng Barsoom thứ tám có khuynh hướng đẩy ánh sáng từ Hỏa tinh ra không
gian, thường xuyên phát ra từ hành tinh này và thiết lập nên một lực đẩy
của trọng lực mà khi bị hãm lại có thể nhấc những trọng lượng rất lớn khỏi
mặt đất.
Chính tia sáng này cho phép họ thực hiện việc bay hoàn hảo đến nỗi những
chiến thuyền cân nặng hơn bất cứ thứ gì trên trái đất có thể lướt đi một cách
nhẹ nhàng và duyên dáng qua bầu không khí loãng của Hỏa tinh như một
khinh khí cầu bay trong bầu khí quyển nặng nề của Trái đất.
Trong những năm đầu của phát hiện này nhiều sự cố lạ lùng đã xảy ra trước
khi người Hỏa tinh biết được cách đo lường và kiểm soát thứ năng lượng
kỳ diệu mà họ tìm ra. Trong một trường hợp đã xảy ra cách đó khoảng chín
trăm năm, chiếc chiến thuyền lớn đầu tiên được làm với những thiết bị chứa
tia sáng thứ tám đã chứa một lượng quá lớn tia sáng này và nó đã bay lên
khỏi Helium với năm trăm sĩ quan và binh sĩ, không bao giờ quay về nữa.
Năng lực đẩy của con tàu đối với hành tinh này lớn đến nỗi nó đã mang con
tàu vào không gian xa xôi, mà ngày nay có thể nhìn thấy được, với sự trợ
giúp của các kính viễn vọng mạnh, đang bay qua bầu trời cách Hỏa tinh
mười ngàn dặm; một vệ tinh nhân tạo bé tí hon vẫn còn xoay quanh Hỏa
tinh cho tới khi tận thế.
Ngày thứ tư sau khi tới Zodanga, tôi bay chuyến đầu tiên, và kết quả của
chuyến đi này là tôi được thăng cấp, bao gồm cả việc có chỗ ở trong cung
điện của Than Kosis.