ông có thể đi lại được như trước kia quả là một điều vô cùng kỳ diệu.
Tập luyện không đủ có khi còn tệ hơn cho ông.
Có lẽ là do cuộc nói chuyện với bác sĩ, hoặc có lẽ chỉ vì tôi muốn
cải thiện quan hệ với bố, nhưng trong hai kỳ nghỉ phép đó, chúng tôi
sống với nhau vui vẻ hơn bất cứ thời gian nào trước đây. Thay vì ép
ông nói chuyện liên tục, tôi chỉ ngồi cạnh ông trong phòng làm việc,
đọc sách hoặc chơi giải ô chữ trong khi ông chăm chú vào những đồng
xu. Có gì đó yên bình và chân thành trong sự thiếu mong đợi của tôi,
và tôi nghĩ bố đang dần dần đối mặt với sự thay đổi giữa chúng tôi.
Đôi khi tôi bắt gặp ông lén nhìn tôi với ánh mắt gần như lạ lẫm.
Chúng tôi dành hàng giờ đồng hồ bên nhau, hầu hết thời gian chẳng
nói gì cả, và với cung cách im lặng và chừng mực này, cuối cùng
chúng tôi đã trở thành những người bạn. Tôi thường ước giá như bố
không vứt tấm ảnh mà chúng tôi chụp chung với nhau, và khi phải
quay lại Đức, tôi hiểu rằng tôi sẽ nhớ ông theo cách mình chưa bao
giờ cảm thấy trước đây.
Mùa thu năm 2004 trôi qua chậm chạp, mùa đông và mùa xuân năm
2005 cũng vậy - Cuộc sống trôi đi yên ổn. Thỉnh thoảng, tin đồn về
khả năng quay trở lại Iraq làm gián đoạn sự đơn điệu trong cuộc sống
của tôi, nhưng vì đã từng ở Iraq, ý nghĩ về việc quay trở lại đó cũng có
chút ảnh hưởng đến tôi. Nếu tôi ở Đức thì ổn thôi. Nếu tôi quay lại
Iraq cũng không vấn đề gì. Tôi theo dõi tình hình Trung Đông như bao
người khác, nhưng ngay khi đặt tờ báo xuống hoặc tắt TV đi, tâm trí
tôi lại luẩn quẩn với những việc khác.
Khi đó, tôi hai mươi tám tuổi, và tôi không thể thoát khỏi cảm giác
rằng cho dù tôi từng trải hơn rất nhiều người cùng tuổi, nhưng cuộc
đời tôi vẫn bế tắc. Tôi nhập ngũ để trưởng thành, và dù hoàn cảnh xô
đẩy, đôi lúc tôi vẫn tự hỏi liệu đó có phải là sự thật. Tôi không có nhà
cũng chẳng có xe, và trừ bố ra, tôi hoàn toàn cô đơn trên đời này.
Trong khi các bạn cùng trang lứa nhét vào ví họ nào là ảnh vợ con, ví
của tôi vẫn giữ độc tấm hình đã phai màu của người con gái tôi yêu