Giá cả không phải là vấn đề. Trang thiết bị ở đây nổi tiếng đắt,
nhưng vì bố tôi có lương hưu, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, và cả
bảo hiểm cá nhân nữa (tôi có thể hình dung ra sau hàng bao năm trời
ký vào các hợp đồng bảo hiểm, bố mới thực sự hiểu ông đã trả tiền vì
mục đích gì), tôi đảm bảo chắc chắn rằng cái giá phải trả quả là đáng
xúc động. Ông giám đốc - trạc bốn mươi tuổi và tóc nâu, cách cư xử
tử tế của ông không hiểu sao khiến tôi nhớ đến Tim - rất thấu hiểu và
không bắt tôi phải quyết định ngay. Thay vào đó, ông đưa cho tôi một
tập thông tin và các loại bảng biểu giấy tờ và chúc bố tôi những lời
chúc tốt đẹp nhất.
Tối hôm đó, tôi gợi ý chuyện này với bố. Vài ngày nữa, tôi sẽ lại ra
đi và tôi không còn sự lựa chọn nào khác, cho dù tôi muốn tránh điều
đó biết bao nhiêu.
Bố không nói gì trong khi tôi nói. Tôi giải thích lý do, sự lo lắng,
niềm hy vọng của mình và mong ông sẽ hiểu. Bố không hỏi lại gì,
nhưng mắt ông cứ mở to sửng sốt, cứ như là ông vừa nghe được lời
phán xử rằng ông sẽ chết vậy.
Nói xong, tôi rất cần được yên tĩnh một mình. Tôi vỗ nhè nhẹ vào
chân bố rồi đi vào bếp lấy một cốc nước. Khi tôi quay lại phòng
khách, bố đang khom người trên sofa, trông chán nản và run rẩy. Đó là
lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông khóc.
Buổi sáng, tôi bắt đầu thu dọn đồ đạc cho bố. Tôi lục hết các ngăn
kéo và các chồng hồ sơ, tủ bếp và ngăn tủ. Trong ngăn kéo để bít tất
của bố, tôi tìm thấy tất; trong ngăn để áo sơ mi thì chỉ có áo sơ mi.
Trong ngăn để giấy tờ hồ sơ, mọi thứ đều dán nhãn và sắp xếp trật tự.
Đáng lẽ chẳng cần phải ngạc nhiên, nhưng tôi vẫn ngạc nhiên theo
một cách riêng nào đó. Bố tôi, không giống như những người khác,
không hề có một bí mật nào cả. Ông không có thói hư tật xấu nào phải
giấu giếm, không có nhật ký, không có những thú vui đáng xấu hổ,