nội, Honma luôn là người bị cho ra rìa, như thể anh không có nguồn cội,
không nơi nào anh có thể gọi là “nhà”.
Nhưng anh là người Tokyo mà, vợ anh thường trêu. Tuy nhiên Honma
chưa từng coi mình là dân Tokyo chính hiệu. Có một khoảng cách lớn giữa
một người sinh ra ở Tokyo và một người gốc Tokyo. Người ta thường bảo
sống ba đời ở Tokyo là thành dân gốc, nhưng liệu có ai cảm nhận được mối
quan hệ huyết thống với nơi họ sống? Đấy mới là vấn đề đáng quan tâm.
Làm sao anh có thể phân biệt một người có quê gốc Tokyo với một người
sinh ra và lớn lên ở đấy? Thành phố này ngày nay không có chỗ để nói về
gốc rễ nữa. Nó chỉ còn là một mảnh đất trơ trụi, một mảnh đất không mùi,
không được cày xới, tưới tắm. Chẳng có gì sinh sôi nảy nở được ở thành
phố lớn rộng này. Những người ở đây như đám cỏ lông chông, sống nhờ
những ký ức về gốc gác, nguồn cội đâu đó của cha mẹ, tổ tiên họ. Những
gốc rễ đó dần dần khô héo, mòn mỏi đi.
Chắc hẳn đấy là lý do, anh nghĩ. Lý do khiến anh man mác buồn mỗi khi
làm nhiệm vụ, chạy loanh quanh thành phố lắng nghe câu chuyện của mọi
người; bắt gặp những người có giọng nói lạ, và lập tức biết họ có một “quê
hương”. Như một đứa trẻ đang chơi đùa giữa quãng hoàng hôn - một đứa
bạn, lại một đứa nữa được gọi về nhà ăn tối, đến khi cuối cùng chỉ còn trơ
trọi mình anh.
Tối hôm đó, lúc tám rưỡi, anh đẩy cánh cửa bước vào bar Lahaina. Một
cô gái chắc chắn chưa tới hai mươi tuổi chào đón anh, lại một lần nữa anh
nghe ra âm vực lạ, giọng miền Nam, người Hakata, chất giọng đặc trưng
khó lòng nhầm lẫn được. Có thể Shoko Sekine cũng nói âm mũi của vùng
Utsunomiya khi tới đây làm việc?
Sau vài phút, Honma được gặp Mama-san.
“Xin lỗi,” cô ta khẽ nói, “nhưng anh là cảnh sát, phải không?”
“Chuẩn rồi,” anh đáp. “Làm sao cô biết được?”