Môlie, khán giả vắng ngắt; Muytxê lấy làm bất bình và mong ước Môlie trở
lại luôn luôn trên sân khấu. Tuy mấy câu thơ nổi tiếng của Muytxê có thể
gây một sự hiểu lầm về tính chất cơ bản của kịch Môlie - hài kịch thực sự,
vui tươi khỏe khoắn - nhưng cũng phải thấy rằng nhiều khi hài kịch của ông
đi bên miệng hố của bi kịch. Cuộc cãi lộn của hai bố con Acpagông để
tranh nhau người yêu, thái độ trắng trợn của Bêlin khi tưởng chồng đã chết,
cái “bài điếu văn” khủng khiếp của mụ, cuộc chia tay của Anxextơ với
Xêlimen, cảnh ông bố cho vay nặng lãi gặp gỡ kẻ đi vay phá gia chi tử
chính là con trai mình, bấy nhiêu cảnh là bấy nhiêu vấn đề làm cho bất cứ ai
có lương tri đều phải suy nghĩ và đau xót. Những tiếng cười qua nước mắt
ấy không ít trong sáng tác của Môlie. Chính những lúc sân khấu sắp sửa trở
nên nặng nề ngạt thở, là lúc xuất hiện những yếu tố “phacxơ”; và nhiều khi
hai yếu tố “phacxơ” và hài kịch không tách rời nhau. Ngay những vở được
coi là “phacxơ thuần tuý”, như Những bà cầu kỳ rởm hay Những ngón lừa
bịp của Xcapanh cũng mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Cảnh Orgông chui
xuống gầm bàn để nghe đức từ bi tán tỉnh vợ mình và nặng nặc đòi cho kỳ
được cái “ân huệ cụ thể”, hoặc là cảnh anh chàng Acgăng nằm thẳng cẳng
để nghe bà vợ hiền tấu lên cái bài điếu văn thảm khốc… đã biểu hiện tài
năng của Môlie sử dụng “phacxơ” và tình huống bi đát để gây những tiếng
cười vừa thâm trầm vừa giòn giã. Những tấn bi kịch đầy rẫy trong xã hội
Pháp thế kỷ XVII, được nhà văn lôi ra ánh sáng, dưới hình thức hài kịch,
thấm nhuần tinh thần lạc quan và lòng tin tưởng vào sự tất thắng của lẽ
phải, của chân lý. Môlie còn sử dụng nhiều hình thức khác nhau, hài kịch -
ba-lê, hài kịch âm nhạc, hài kịch ca múa, và ở loại nào, ông cũng tỏ rõ một
tài năng vững chắc. “Môlie là một sản phẩm của sự vĩnh cửu”; hài kịch của
ông cho đến nay ở Pháp vẫn được diễn nhiều hơn bất cứ tác phẩm cổ điển
nào khác, nhất là hai vở Tactuyp và Lão hà tiện. Nó vẫn có sức sống mạnh
mẽ. Môlie đã sử dụng thứ ngôn ngữ sinh động, cụ thể, đến nay vẫn còn sức
hấp dẫn và tất cả mọi người đều hiểu được, tuy rằng từ đó đến nay, ba thế
kỷ đã qua. Ông đã đóng góp một phần quan trọng vào công cuộc xây dựng
ngôn ngữ dân tộc Pháp hiện đại. Thế kỷ XVII, Boalô có trách ông sử dụng
ngôn ngữ “quá gần quần chúng”; La Bruyerơ muốn ông “tránh dùng tiếng