CHÚ DẪN
Kẻ ghét đời diễn lần đầu tiên ngày 4 tháng sáu, 1666. Vở này vừa ra đời
đã được các nhà phê bình nổi tiếng lúc đương thời đánh giá rất cao.
Xuyblinhi tuyên bố đó là “một tuyệt tác không tác phẩm nào sánh kịp”;
Rôbinê, Vidê cũng đã hết lời ca ngợi tác giả của nó. Tác phẩm mô tả những
chân dung thực của thời đại, nên những người đương thời nhận thấy một
cách dễ dàng trong nhân vật của Môlie những con người của cung đình lúc
bấy giờ. Từ ba trăm năm nay, hài kịch Kẻ ghét đời vẫn được mọi người mến
yêu và là một vở được diễn nhiều nhất ở Pháp, sau Tactuyp và Lão hà tiện.
Là một vở hài kịch triết lý, Kẻ ghét đời phản ánh sâu sắc thái độ của
Môlie đối với chế độ xã hội lúc bấy giờ. Triết lý về sự sống toát lên từ toàn
bộ vở kịch là khát vọng trở thành con người chân chính. Ông lên án những
kẻ sống giả dối, ông kết tội một xã hội đầy lừa lọc, ông lột trần dưới những
bức chân dung châm biếm sâu sắc những con người ăn bám, mục nát đến
tận xương tuỷ, ông đập tan nát một xã hội đầy bất công, ở đó công lý bị dày
xéo, đạo đức bị nguyền rủa. Ông ca ngợi lòng khẳng khái, trong sạch, tính
chiến đấu của Anxextơ.
Là một vở hài kịch trữ tình. Kẻ ghét đời nói lên nỗi niềm tâm sự sâu kín
của Môlie; thời gian sáng tác này là thời gian cuộc đời Môlie đang qua
những cơn sóng gió dữ dội, bọn phản động tìm mọi thủ đoạn hèn hạ để xỉ
nhục ông. Những vụ kiện phi lý mà Anxextơ phải chịu gợi mọi người nghĩ
đến những sự thực chua chát mà ông đang trải qua. Trong những lời nồng
nhiệt, ông đã để cho Anxextơ, sau khi tố cáo xã hội là “một vực thẳm ở đó
chiến thắng những tệ lậu”, mơ ước một cuộc đời tự do.
Là một vở hài kịch tổng hợp những vở hài kịch trước đó, Kẻ ghét đời
trình bày toàn diện xã hội cung đình với trên hai mươi bức chân dung của
đủ mọi hạng người quý tộc: hống hách, nhu nhược, huênh hoang, ngạo
mạn, loè loẹt, tâm hồn nghèo nàn, khô cạn, hay xỏ xiên, nham hiểm. Cái
cảnh trứ danh, thường gọi là “cảnh các bức chân dung” chứng tỏ tài năng