ANXEXTƠ:
Thưa ngài, việc này nói ra thì khó quá, xưa nay vẫn thế. Ai chả
thích người ta khen mình có tài văn chương. Nhưng một hôm, khi được
xem thơ của một anh chàng - tôi chả nói tên làm gì - tôi bảo anh ta rằng một
người lịch sự bao giờ cũng phải nén cái tật ngứa ngáy làm văn lại, phải biết
kìm hãm lại cái thú phô trương những trò cười như thế, và cái thói sính đem
khoe khoang tác phẩm của mình chỉ tổ làm trò hề cho thiên hạ.
ÔRÔNG:
Có phải như thế là ngài có ý muốn tuyên bố rằng tôi đã lầm khi tôi
muốn…
ANXEXTƠ:
Tôi không nói thế. Tôi, thì tôi muốn bảo anh ta rằng một bài văn
nhạt làm người ta chán ngấy, rằng chỉ một cái tật yếu ấy đủ làm cho người
ta mất danh tiếng, rằng dù ta có vô vàn đức tốt đấy, nhưng người đời bao
giờ cũng chỉ thấy những mặt xấu mà thôi.
ÔRÔNG:
Có phải ngài cho rằng bài thơ của tôi hỏng bét không?
ANXEXTƠ:
Tôi không nói thế; nhưng để cho anh ta thôi đừng viết lách nữa,
tôi vạch mắt cho anh ta thấy rằng, ở thời đại chúng ta, sự thèm khát ấy đã
làm hại biết bao nhiêu người đứng đắn.
ÔRÔNG:
Có phải tôi viết không ra gì không? Có phải tôi giống những người
ấy không?
ANXEXTƠ:
Tôi không nói thế. Nhưng, cuối cùng tôi bảo anh ta: “Ngài cứ
ngứa ngáy thơ với thẩn để làm gì kia chứ? Ai bắt ngài in tác phẩm ra kia
chứ? Một quyển sách dở ra đời, nếu là của những anh chàng khốn khó in ra
để kiếm miếng ăn thì người ta có thể tha thứ được. Xin nói thực tình với
ngài, ngài hãy chống lại những cám dỗ của ngài, ngài giấu biệt đi, đừng cho
thiên hạ biết công việc của ngài. Dù có ai thôi thúc ngài đi nữa, thì ngài
cũng chớ làm mất cái danh của người quý phái nơi cung đình, để đi chuốc
lấy cái tiếng là một tác giả lố lăng, khốn khổ, ở tay một gã chủ nhà in tham
lợi”. Đấy, tôi cố sức giảng giải cho anh ta hiểu như thế.
ÔRÔNG:
Được, khá lắm, tôi tưởng đã hiểu ý ngài. Nhưng trong bài thơ của
tôi, tôi có thể biết có những điều gì…