họ mười năm. Nhưng vì là kẻ đã bỏ đi nên những gì bị bỏ lại đằng sau tôi
đều nhớ rất rõ. Cảm giác tội lỗi, tự dằn vặt bản thân vì đã bỏ đi kết thúc
cách đây đã rất lâu rất lâu. Tôi cứ đi thẳng. Chậm rãi như thưởng thức một
bức tranh. Đều đều, chầm chậm.
Một người phụ nữ lớn tuổi đi ngược chiều với tôi, tay xách túi lớn túi
nhỏ. Tôi điều chỉnh nhịp chân chậm lại. Tôi đi đến, nói một câu đơn giản,
để cháu giúp bác. Người phụ nữ cười cảm tạ. Tôi xách những chiếc túi ni
lông đựng đầy cam, dây túi thít lại vì khối lượng kéo xuống của chúng, cảm
giác nơi tiếp xúc giữa tay và túi hơi khó chịu. Chúng tôi dừng chân trước
một ngôi nhà nhỏ, xây theo kiến trúc truyền thống, nhưng vẫn còn khá mới.
Tôi tạm biệt người phụ nữ. Bà cảm ơn tôi một lần nữa. Tôi chỉ cười.
Ngôi nhà cũ vẫn nằm ở đó. Đó từng là ngôi nhà đẹp nhất trong khu
phố, bây giờ nhìn lại hoá ra cũng đã trở nên bình thường. Tôi nghĩ có lẽ sau
này, mười năm nữa khi trở lại đây, tất cả đều đã hoàn toàn đổi khác.
Ở nhà không có ai, chỉ có người giúp việc, mọi người đều đã đến bệnh
viện. Tôi dặn dò bà ta một số thứ, sau đó cũng gọi taxi đi đến bệnh viện.
Phòng bệnh của bố ở hành lang tầng hai, ngay ngã rẽ đầu tiên từ cầu thang
đi lên. Mọi người đều tập trung ở bên ngoài. Chị nhìn thấy tôi, khẽ nói, bố
đang đợi em. Tôi gật đầu, em vào đây.
Căn phòng không thay đổi nhiều kể từ lần cuối tôi ghé thăm. Bình hoa
hồng lớn đặt trên bàn uống nước cùng đĩa cam gọt sẵn, trong không khí có
mùi thuốc khử trùng vẫn luẩn khuẩn mùi hương thanh mát của hoa và trái
cây. Dì ngồi bên giường bệnh, nắm tay bố. Bố còn gầy hơn cả lần trước, tay
phải cắm đầy những dây dợ của máy móc, những mạch máu nổi rõ, dường
như đang phải đấu tranh với cái chết từng chút một. Tôi đứng trầm mặc
một lúc, dì ngẩng lên liền nhìn thấy tôi, mắt đã hoe đỏ, tiều tụy hơn nhiều
so với trí nhớ của tôi. Tôi bước đến bên giường bệnh, nói nhỏ, dì đi nghỉ đi,
để con ở đây với bố. Cánh cửa đóng lại. Bố không còn minh mẫn. Tôi ngồi
cạnh bố đến tận chiều, không hề nhúc nhích, như là một bức tượng đá. Khi