tiếng la hét “đồ ăn cắp, đồ ăn cắp” bèn lại gần tôi đang nằm trên sàn nhà,
nắm lấy tay tôi. Có vẻ thầy đang lúng túng trước chữ “đồ ăn cắp” mà bọn
trẻ con đang la hét. “Xin lỗi bạn ngay đi!” thầy lớn giọng. “Nếu em ăn cắp
thật thì hãy xin lỗi ngay!”
Nếu ngẫm lại thì có lẽ đó là một sự giải thoát. Vì đó là khoảnh khắc lần
đầu tiên hành vi của tôi bị phơi bày trước xung quanh, trước thế giới, nếu
không tính tòa tháp. Tôi cảm nhận được sự giải thoát mà tôi chưa từng có.
Bị mọi người áp đảo, trong sự nhục nhã, tôi lại thấy khoan khoái tràn ngập.
Nếu ánh sáng làm chói mắt, chỉ cần đi ngược hướng là được. Tôi chẳng
buồn giấu bộ mặt cười nhăn nhở, cũng chẳng buồn chống cự, cứ để mình bị
xô ngã. Từ cửa sổ lớp học, tôi nhìn thấy tòa tháp. Có lẽ chính lúc này tòa
tháp sẽ nói với tôi điều gì đó, tôi đã tưởng như thế. Vì tòa tháp đứng ở đó
rất lâu. Nhưng tòa tháp chỉ đứng đó, đẹp và xa xăm. Nó chẳng khẳng định
hay phủ định một đứa đang khoan khoái trong nhục nhã là tôi. Tôi cứ thế
nhắm mắt lại.
Tôi định bụng sẽ tiếp tục lấy đồ cho đến khi không còn nhìn thấy tòa
tháp kia. Lún xuống thấp dần, thấp dần, đến khi hòa vào cái bóng. Tôi nghĩ
mình càng ăn cắp thì bản thân sẽ càng rời xa tòa tháp đó. Cuối cùng thì cảm
giác căng thẳng khi lấy đồ của người khác lại trở nên kích thích tôi. Sự
căng thẳng khi các ngón tay chạm vào đồ của người khác, hơi ấm dâng lên
sau đó. Đó là hành vi phủ nhận mọi giá trị, chà đạp lên mọi ràng buộc. Tôi
ăn cắp thứ mình cần, ăn cắp thứ mình không cần, thứ nào không cần thì lấy
xong sẽ vứt đi. Các ngón tay vươn tới lãnh địa không được phép chạm tới,
cảm giác khoan khoái xóa nhòa cảm giác lạ lẫm chạy qua đầu ngón tay…
Không biết tại hành vi của tôi đã vượt qua ngưỡng hay chỉ đơn giản là do
tôi lớn lên mà không biết từ khi nào, tòa tháp đó đã biến mất.