Có thể hình dung được các lý do tại sao chính quyền Sài Gòn có
kế hoạch xây sân bay Nhơn Trạch. Trong thời kỳ Pháp thuộc, Sài
Gòn còn là một đô thị nhỏ, đến năm 1945 thành phố Sài Gòn - Chợ
Lớn mới có 0,5 triệu người và là một phần của tỉnh Gia Định. Vào
giai đoạn đó, sân bay Tân Sơn Nhất ở Việt Nam và các sân bay khác
có quy mô nhỏ, phục vụ các máy bay nhỏ. Các quy định về an toàn
và môi trường (tiếng ồn) trong hoạt động hàng không còn rất sơ
sài so với sau này. Nhưng dưới chính quyền Sài Gòn, Air Vietnam đã
là một trong những hãng hàng không lớn nhất ở Đông Nam Á và
Tân Sơn Nhất là sân bay có tần suất bay cao nhất khu vực.
Trong khi đó, mặc dù nằm trong địa giới hành chính của tỉnh Gia
Định, sân bay Tân Sơn Nhất cách trung tâm thành phố Sài Gòn chỉ
có 5 km. Khoảng cách đó quá gần để Tân Sơn Nhất có thể phát
triển thành một sân bay lớn, phục vụ các máy bay lớn mà vẫn đáp ứng
được các yêu cầu ngặt nghèo hơn về an toàn và tiếng ồn máy bay
đối với dân cư Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn cần một sân bay
khác để Air Vietnam và các hãng hàng không khác có đủ hạ tầng sân
bay trong một tương lai lâu dài để phát triển các hoạt động vận tải
hàng không và họ đã lựa chọn vị trí ở Nhơn Trạch.
Đầu những năm 90, hàng không Việt Nam cùng các chuyên gia
tư vấn nước ngoài bắt tay vào việc quy hoạch mạng sân bay dân
dụng toàn quốc, trong đó có cả việc nghiên cứu các tài liệu quy hoạch
sân bay của chính quyền Sài Gòn. Năm 1997, tại Quyết định số
911/QĐ-TTg ký ngày 20-10-1997, Thủ tướng Phan Văn Khải đã phê
duyệt quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc. Sân bay
Long Thành được đưa vào quy hoạch tại Quyết định này, cách đây
gần 17 năm.