tầm nhìn và tư duy thương hiệu ở ông chủ doanh nghiệp này. Những
ngày tháng Ba này Lễ hội cà phê đang diễn ra ở Buôn Ma Thuột. Tôi
sẽ rất vui nếu Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ cà phê thế giới.
Tôi sẽ còn vui hơn nếu được nhìn thấy quán cà phê Trung Nguyên
trên các đường phố khắp thế giới. Nhiều người làm cà phê,
nhưng ít người có sự đam mê cà phê như Đặng Lê Nguyên Vũ. Mua
nguyên cả bảo tàng cà phê ở Hamburg (Đức) rồi đóng gói chở về
Buôn Ma Thuột mở bảo tàng cà phê thì chỉ có Vũ. Sự đam mê cà phê
thì Vũ có thừa.
Cà phê Trung Nguyên đã có chất lượng tốt, hương vị khác biệt.
Đây là điều quan trọng cho ước mơ toàn cầu hóa của Trung
Nguyên. Hai yếu tố quan trọng nữa để Trung Nguyên trở thành
một thương hiệu toàn cầu là cách làm thương hiệu và cách làm
nhượng quyền. Trong hai lĩnh vực này, Trung Nguyên phải học hỏi
kinh nghiệm thành công của kem Bud’s hay Haagen-Dazs, thức ăn
nhanh McDonald’s hay KFC, gần gũi hơn nữa là của chuỗi cà phê
Starbucks.
Nghĩ về vấn đề thương hiệu, tôi chợt nghĩ “giá mà...”. Số là các
chữ cái ghép “tr” (“trờ”) trong chữ “Trung” và “ng” (“ngờ”) trong chữ
“Nguyên” người ở các nước sử dụng chữ cái La-tinh không phát âm
được như người Việt, cho nên họ khó nhớ được hai chữ “Trung
Nguyên” hay “Trung Nguyen” và đọc được na ná như người Việt.
Người Nhật quả là khôn khi chọn những thương hiệu như Sony,
Honda rất dễ đọc, dễ nhớ cho tất cả mọi người sử dụng các ngôn
ngữ khác nhau; các thương hiệu Nhật khác như Toyota, Toshiba,
Mitsubishi phức tạp hơn nhưng vẫn chưa quá khó đọc, khó nhớ. Nếu
là tôi thì tôi sẽ chọn một cái tên nào mà người biết chữ nào ở bất kỳ
đâu cũng có thể đọc được, nhớ được để làm thương hiệu cho các sản
phẩm tiêu dùng hàng ngày của con người (như cà phê). Nhưng tôi
nghĩ là Trung Nguyên sẽ nghĩ ra cách.