tốt. Vợ chồng tôi quyết định cho cháu sang học ở Anh ngay giữa
lớp 11, với tính toán là trong một môi trường giáo dục mới, cháu sẽ
thấy có vô vàn kiến thức bổ ích mà mình chưa được học và thoải
mái trở lại làm một cậu học trò đam mê, chăm chỉ.
Chúng tôi đã đúng: cháu đã trở lại là cậu học trò giỏi. Thỉnh
thoảng cháu vẫn viết báo, nhưng cháu không còn viết về giáo dục
nữa, mà viết về văn hóa, môi trường và nhiều vấn đề bổ ích
khác. Sau một năm rưỡi học dự bị đại học (A-level) ở Anh, cháu đã thi
đậu vào Trường Đại học Cambridge danh tiếng, một nơi khó vào cho
chính các học sinh người Anh. Tốt nghiệp trường Cambridge, cháu
được tuyển dụng vào làm việc ngay ở CapitaLand – một tập đoàn bất
động sản lớn của Singapore. Hiện nay, bằng những trải nghiệm của
chính bản thân, cháu tham gia nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ
hướng nghiệp cho các em học sinh Việt Nam ở Singapore.
Có thể ai đó nghĩ rằng tôi muốn khoe sự thành đạt của con cái.
Điều đó cũng không sai. Nhưng điều quan trọng mà tôi muốn nói
ở
đây là: Nếu không nhờ nền giáo dục Anh, con trai chúng tôi đã
không thể thành đạt được như ngày hôm nay. Nếu chỉ là sản phẩm
của nền giáo dục Việt Nam, có lẽ GS. Ngô Bảo Châu khó trở thành
nhà toán học lừng danh thế giới, Philipp Rosler cũng khó có cơ hội
làm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức…
Con trai chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát, thấy rằng trong
số các nhà toán học nổi tiếng thế giới, không có nhiều người đã
từng là quán quân các kỳ thi Olympic toán quốc tế. Ngoài ra, việc
thắng hay thua tại các cuộc thi Robocon cũng không liên quan gì
đến trình độ thực sự ngành tự động học của một quốc gia. Đơn giản
chúng chỉ là các sân chơi, cuộc chơi. Thi thì cứ thi, nhưng đừng quan
trọng hóa chúng, đừng coi chúng là tiêu chí, mục tiêu, thành tích giáo
dục đào tạo.