Nói cách khác, chúng ta thường xuyên đứng về quần chúng, tiếp
tục duy trì sự tự chủ theo chủ nghĩa phản quan liêu. Chúng ta
kiên quyết không khuất phục trước sự đàn áp của thế lực phản
động.
Lấy ví dụ cuộc đấu tranh tháng Sáu năm ngoái, nhờ chủ nghĩa
hành động quả cảm, dưới sự chỉ đạo oai hùng của Chủ tịch câu
lạc bộ Cổ Điển Sekitani Jun, bản thân chúng ta vẫn còn nhớ sự
thất thần của những kẻ theo chủ nghĩa quyền lực khi bị vỡ trận,
dáo dác.
“Đây là văn bản tớ tìm được trong tập san ngày xưa của câu lạc bộ
Nghiên cứu Manga. Tựa đề là ‘Đoàn kết và tiếng súng chào mừng - Số
thứ nhất’, nhưng từ số thứ hai trở đi thì không tìm thấy nữa. Phát hành
ba mươi hai năm trước giống như của Chi-chan. Vì nghĩ rằng nếu đã
là chuyện được nêu trong ‘Kem Đá’ thì cũng được nhắc đến trong tập
san của các câu lạc bộ khác nên tớ đã tìm trong thư viện, nhưng quả là
rất hiếm các câu lạc bộ duy trì được tận ba, bốn mươi năm. Hình như
câu lạc bộ Nghiên cứu Manga khi ấy cũng chưa ra đời, nhưng tớ tình
cờ tìm được cái này trên giá sách… Kỳ diệu không?”
Tôi không hiểu cô nàng dùng từ kỳ diệu ý chỉ việc phát hiện ra văn
bản này hay là bản thân văn bản này nữa. Đoàn kết và tiếng súng chào
mừng… Cái gọi là tính thời kỳ là đây chăng, một tựa đề nghe thật
đáng ngờ làm sao. Lại còn đoạn văn phảng phất hơi hướng thời đại
nữa chứ! Giờ thì tôi đã hiểu tại sao người ta lại nói văn học Cổ Điển
vẫn còn gần gũi.
Mặt khác, tôi cũng hiểu tại sao giả thiết của Chitanda lại bị phủ
định. Thật đơn giản. Bởi lễ hội văn hóa của trường Kamiyama được tổ
chức vào 1 tháng Mười, nhưng theo tài liệu này thì vụ việc đã xảy ra
vào tháng Sáu. Thì ra là vậy, đây chính là 1 bằng chứng phủ định rõ
ràng.