Chị tôi có vẻ hớn hở. Như mọi khi. Chị tôi là cô nàng cảm xúc thay
đổi nhanh chóng, hay giận, dễ khóc, có thể vui cả ngày vì những điều
nhỏ bé, nhưng về cơ bản là lúc nào cũng có vẻ hớn hở.
Tôi xoắn ngón tay vào sợi dây điện thoại, đáp:
“Không có gì cả. Mặt trận Viễn Đông vẫn yên tĩnh.”
“Thế hả? Vậy…”
Chị tôi định cúp máy. Nếu bị cúp máy thì bị cúp máy cũng được,
với tâm trạng đang mơ hồ như vậy, tôi tiếp tục:
“Bọn em đang làm tập san. ‘Kem Đá’…”
“… Hở, gì cơ?”
“Bọn em đã tìm hiểu về chuyện của Sekitani Jun.”
Chị tôi vẫn nói rất gấp gáp:
“Sekitani Jun? Cái tên nhiều hoài niệm thật. Ồ, chuyện đó vẫn được
truyền đến tận bây giờ à? Thế thì ‘lễ hội Kan-ya’ vẫn là từ cấm hả?”
Tôi không lý giải được ý nghĩa của câu nói đó.
“Gì cơ ạ?”
“Đó là một bi kịch đấy, khó chịu lắm.”
Từ cấm? Bi kịch? Khó chịu?
Chuyện gì vậy? Chị tôi đang nói gì thế?
“Đợi chút, em đang nói chuyện Sekitani Jun đấy.”
“Chị biết, ‘người anh hùng hào hiệp’ chứ gì? Chính em có hiểu
không ấy?”
Một cuộc hội thoại thật không ăn nhập chút nào. Dù cùng nói về
một việc mà không có cảm giác hiểu nhau.
Linh tính mách bảo cho tôi biết là tại sao. Bởi vì tôi đã sai lầm.
Chắc chắn những phân tích của tôi ở nhà Chitanda, hoặc sai, hoặc còn
thiếu sót. Tuy nhiên, tôi không hề cuống. Hình như chị tôi biết ba
mươi ba năm trước chuyện gì đã xảy ra ở trường Kamiyama.
“Chị kể em nghe đi, chuyện của Sekitani Jun.”
Tôi đã định nói chuyện hết sức nghiêm túc.