“Tháng Tư năm đó, hình như thầy hiệu trưởng đương nhiệm đã đưa
ra lời kêu gọi tại hội nghị giáo viên. Phải rồi, trong này có ghi đây.
‘Chúng ta không được thỏa mãn với việc làm một ngôi trường chùa
trong ngôi làng nhỏ bé’. Bây giờ nghĩ lại thì có lẽ hiệu trưởng Aida đã
tiên đoán được về xã hội sau này, nhưng lúc đó phát ngôn của thầy bị
cho rằng đấy chỉ là hình thức, còn dụng ý thực sự là dập tắt lễ hội văn
hóa.
“Khi nhà trường công bố lịch lễ hội văn hóa, mọi người đã rất xôn
xao. Bởi trước giờ lẻ hội vốn được tổ chức trong năm ngày bị rút mất
ba ngày xuống còn hai ngày, tổ chức vào ngày thường thì bị đổi thành
cuối tuần. Thật ra, nếu cắt bỏ những chỗ cần cắt bỏ thì lịch trình hai
ngày vẫn đủ để tổ chức, nhưng việc lễ hội bị phá đám là điều không
thể chấp nhận được.
“Kể từ sau đó, không khí sôi sục lan khắp trường, ai cũng linh cảm
được sẽ có chuyện gì đó xảy ra.
“Trước tiên là những tờ giấy dán chửi rủa nhà trường bằng từ ngữ
thô tục. Tiếp đến là các buổi diễn thuyết. Gọi là diễn thuyết thực ra chỉ
là đứng trên bục và muốn nói gì thì nói, nhưng mọi người đều rất
quyết liệt. Nó đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình lắm. Rồi phong trào
còn diễn biến đến mức các câu lạc bộ khối văn hóa nghệ thuật còn
thống nhất sẽ liên kết với nhau.
“Thế nhưng… Dù đoán trước sẽ có chống đối nhưng vẫn kiên quyết
tiến hành rút ngắn lễ hội văn hóa, nhìn vào hành động đó có thể thấy
quyết tâm của phía nhà trường cũng không hề đơn giản. Nếu thực hiện
phong trào phản kháng một cách có tổ chức thì cũng cần chuẩn bị tinh
thần nhận hình phạt. Nhiều người hô khẩu hiệu thì rất hay nhưng đáng
xấu hổ thay, không một ai dám đứng ra ứng cử vị trí lãnh đạo phong
trào liên minh giữa các câu lạc bộ.”
Cô Itoigawa nói đến đó thì hơi nhấc mình đổi tư thế. Tiếng ghế kêu
cút kít theo cử động của cô.